Tính từ năm 2004 đến tháng 8/2020, thép xuất khẩu của Việt Nam đã đối mặt với 62 vụ kiện, cao hơn rất nhiều so với con số Việt Nam đã kiện thép nhập khẩu.
Theo báo cáo từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), đến hết tháng 9/2020, Việt Nam đã tiến hành khởi xướng điều tra 9 vụ việc phòng vệ thương mại liên quan đến các sản phẩm thép nhập khẩu.
Xuất khẩu thép đối mặt nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại.
Trong khi đó, tính từ năm 2004 đến tháng 8/2020, thép xuất khẩu của Việt Nam bị nước ngoài kiện tới 62 vụ, gồm kiện chống bán phá giá (34 vụ), chống trợ cấp (3 vụ), chống bán phá giá và chống trợ cấp (6 vụ), điều tra áp dụng biện pháp tự vệ (13 vụ).
Việc các nước liên tục kiện phòng vệ thương mại với Việt Nam trong lĩnh vực thép không nằm ngoài nguyên nhân thị trường xuất khẩu các sản phẩm thép của các doanh nghiệp ngày càng mở rộng.
Báo cáo của VSA cũng cho thấy, về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành thép đến hết tháng 8/2020 được VSA đạt khoảng 5,95 triệu tấn, tương ứng 3,1 tỷ USD. Trong đó, thị trường ASEAN hiện chiếm đến 44,78% trong tổng sản lượng thép xuất khẩu với 1,43 tỷ USD, bỏ khá xa Trung Quốc ở mức gần 845 triệu USD, chiếm 34,8% tỷ trọng xuất khẩu.
Với ba thị trường xuất khẩu tiềm năng khác là EU, Mỹ và Hàn Quốc, đặc biệt hai thị trường EU và Mỹ, dù ngành thép Việt Nam bị kiện nhiều nhất, nhưng tỷ trọng xuất khẩu hiện vẫn rất khiêm tốn, chỉ 2,48% trong tổng sản lượng xuất khẩu đối với EU (giữ mức 119,4 triệu USD) và 2,19% (115,8 triệu USD) đối với thị trường Mỹ.
Về tình hình sản xuất của ngành thép, Bộ Công Thương cũng cho biết, tháng 9, sản lượng sắt thép thô tăng 9,2%, thép cán tăng 5%, thép thanh, thép góc tăng 0,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tính chung 9 tháng năm 2020, lượng sắt thép thô giảm 6,1%, thép cán giảm 2,1%, thép thanh, thép góc tăng 9,5% so với cùng kỳ.
Sản lượng thép xây dựng sản xuất, bán hàng và xuất khẩu trong 9 tháng của năm 2020 đều giảm do tác động của dịch COVID-19. Tuy nhiên, Bộ Công Thương dự kiến từ tháng 9 đến cuối năm, thị trường thép xây dựng sẽ khởi sắc hơn do trong ngắn hạn thị trường nội địa có nhu cầu tiêu thụ thép nhiều hơn sau thời gian giãn cách do dịch bệnh COVID-19.