Việc không công khai lãi suất có thể dẫn đến những tranh cãi, hiểu lầm không đáng có giữa người đi vay và ngân hàng.
Ảnh minh họa.
Thông thường, lãi suất của các khoản tín dụng kỳ hạn dài thường được tính bằng lãi suất tham chiếu - là lãi suất tiền gửi cá nhân kỳ hạn bất kỳ (thường là kỳ hạn từ 12 tháng trở lên), cộng thêm một biên độ nhất định.
Theo đó, với việc các ngân hàng niêm yết công khai mức lãi suất huy động các kỳ hạn, người đi vay có thể dễ dàng tính được mức lãi suất mà họ sẽ phải trả cho khoản vay của mình.
Dù vậy, không phải nhà băng nào cũng thực hiện quy định trên. Việc "giấu" lãi suất huy động có thể dẫn đến những tranh cãi, hiểu lầm không đáng có giữa người đi vay và ngân hàng.
Mới đây, ông Nguyễn Văn Phú, một khách hàng của Ngân Hàng TMCP Đông Nam Á – SeABank, trú tại xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa cho biết, hồi tháng 6/2020, ông có vay ngân hàng Seabank -
Chi nhánh Nha Trang 450 triệu đồng để mua xe ô tô, mục đích kinh doanh chạy dịch vụ.
Mức lãi suất bằng lãi suất tiết kiệm 14 tháng lĩnh lãi cuối kỳ cộng biên độ 4,7%.
Ông Phú cho biết, do thời điểm vay đang cần gấp để có xe chạy dịch vụ nên chưa hiểu rõ về lãi suất. Ông đã đến ngân hàng Seabank tìm hiểu thì được trả lời, lãi suất tiết kiệm 14 tháng lĩnh lãi cuối kỳ là 8,5%/năm theo quy định nội bộ của ngân hàng.
“Tuy nhiên, theo tôi biết mức lãi suất tiết kiệm 14 tháng phải được niêm yết công khai, nhưng tôi không tìm thấy thông tin trên trang web hay thông báo tại văn phòng Seabank có niêm yết mức lãi suất này”, ông Phú
nói.
Theo đó, khách hàng này thắc mắc, mức lãi suất tiết kiệm là 8,5%/năm mà ngân hàng đã trao đổi với ông đã đúng chưa; và việc không công khai rõ ràng mức lãi suất là đúng hay sai(?).
Đem thắc mắc đến cơ quan quản lý, thì đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo Khoản 1 Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định, “Tổ chức tín dụng được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng”.
Thông tư số 48/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 của Ngân hàng Nhà nước về tiền gửi tiết kiệm, quy định, tổ chức tín dụng quy định lãi suất tiền gửi tiết kiệm phù hợp với quy định của ngân hàng nhà nước về lãi suất trong từng thời kỳ (Khoản 1 Điều 9);
Thời hạn gửi tiền bao gồm tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn. Thời hạn gửi tiền cụ thể do tổ chức tín dụng xác định (Khoản 1 Điều 6).
Tổ chức tín dụng phải niêm yết công khai tại địa điểm giao dịch của tổ chức tín dụng và đăng tải trên trang thông tin điện tử (nếu có) của tổ chức tín dụng về lãi suất tiền gửi tiết kiệm (Điểm a Khoản 1 Điều 21).
Theo đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, trường hợp Seabank có huy động tiền gửi tiết kiệm 14 tháng thì Seabank phải niêm yết công khai theo quy định.