Do chi phí tăng lên, Masan Group báo lãi giảm 62% đạt 852 tỷ đồng trong quý III.
VinCommerce đặt kế hoạch hòa vốn EBITDA trong quý IV.
Nợ ròng/EBITDA của Masan tăng mạnh lên 4,5 lần và có kế hoạch giảm về 2,5-3 lần trong 12-18 tháng tới.
Vay nợ gần 53.600 tỷ đồng
Tập đoàn Masan (HoSE:
MSN) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III, ghi nhận nợ vay tài chính tiếp tục tăng lên 53.585 tỷ đồng, tăng hơn 4.870 tỷ đồng so với cuối quý II và tăng 23.570 tỷ đồng so với đầu năm. Nợ vay tăng chủ yếu do ngân hàng phát hành trái phiếu dài hạn, chủ yếu thông qua Techcombank và các công ty con của ngân hàng.
Trong đó, vay nợ ngân hàng ngắn và dài hạn tổng cộng 20.518 tỷ đồng, nợ vay trái phiếu có đảm bảo là 17.218 tỷ đồng và nợ vay trái phiếu không có đảm bảo là 15.109 tỷ đồng.
Từ đầu năm tới nay, Masan Group đã huy động thành công 10.000 tỷ đồng trái phiếu trong 4 đợt chào bán, nguồn vốn thu về để thực hiện tăng vốn điều lệ Công ty TNHH Tầm Nhìn Masan, cấp khoản vay cho Masan Comsumer Holdings và MNS Meat Hà Nam, cũng như thanh toán nợ vay nội bộ.
Ngoài ra, Masan Group và các công ty con gồm VinCommerce (đơn vị sở hữu chuỗi VinMart, VinMart+) và Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo phát hành gần 10.200 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ.
Mặc dù huy động gần 20.200 tỷ đồng trái phiếu, tập đoàn đa ngành này còn thông qua kế hoạch phát hành ra công chúng 4.000 tỷ đồng để trả nợ cho VinCommerce và góp vốn vào The Sherpa; đồng thời phát hành riêng lẻ 4.000 tỷ đồng trái phiếu khác. Thời gian phát hành dự kiến trong quý IV.
Kết hợp với số dư tiền mặt và tương đương tiền, hệ số nợ ròng/EBITDA (lợi nhuận thuế, lãi vay và khấu hao) tăng từ 1,4 lần lên 4,5 lần (không bao gồm việc hợp nhất EBITDA của VinCommerce do đang trong giai đoạn tăng trưởng).
Với dư nợ tài chính tăng mạnh, Masan Group cho biết sẽ tập trung cân đối chỉ số đòn bẩy với mục tiêu giảm tỷ lệ nợ ròng/EBITDA xuống khoảng 2,5 - 3,0 lần, trong 12-18 tháng tới.
Các hành động giảm nợ vay như giảm nợ tại Masan High-Tech Materials (UPCoM:MSR) - sở hữu mỏ đa kim Núi Pháo sau khi tăng vốn chủ sở hữu thêm 90 triệu USD và cải thiện dòng vốn lưu động; cải thiện EBITDA thông qua việc mở rộng mảng kinh doanh thịt, tích hợp nền tảng kinh doanh vonfram và đóng góp EBITDA dương từ VinCommerce; ưu tiên gọi vốn từ nhà đầu tư chiến lược cho mỗi nền tảng của tập đoàn.
Vay nợ 53.585 tỷ đồng, Masan Group có kế hoạch giảm nợ vay trong 12-18 tháng tới.
Lãi ròng quý III giảm 62% do chi phí hoạt động lớn.
Masan Group ghi nhận doanh thu thuần quý III tăng 125% so với cùng kỳ đạt 20.214 tỷ đồng nhờ lợi thế hợp nhất chuỗi bán lẻ VinMart và VinMart+. Lợi nhuận gộp cao gấp đôi cùng kỳ đạt 4.818 tỷ đồng.
Hoạt động tài chính kém hiệu quả khi doanh thu giảm đến 80% và chi phí tăng 115%. Cũng do hợp nhất, chi phí bán hàng tăng mạnh 212% lên 3.315 tỷ đồng và chi phí quản lý tăng 80% đạt 850 tỷ đồng. Lợi nhuân khác hơn 890 tỷ đồng nhờ phát sinh lợi thế thương mại âm từ mua lại 100% cổ phần trong H.C Starck Holding, nhưng vẫn giảm 13% so với cùng kỳ do năm ngoái công ty có thu nhập bất thường từ thắng kiện Jacobs.
Với các tác động đó, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ giảm 62% còn 852 tỷ đồng.
Tập đoàn cho biết VinCommerce đã cải thiện EBITDA từ âm 5,1% quý I, âm 8,5% lên mức âm 2,8% trong quý III và đang trên đà hòa vốn trong quý IV. The CrownX, nền tảng tích hợp mảng tiêu dùng (Masan Consumer Holdings) và bán lẻ hiện đại (VinCommerce) đạt doanh thu thuần 13.948 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ và biên EBITDA tăng lên 9,2% trong quý III.
Đơn vị: tỷ đồng.
Doanh thu thuần 9 tháng đầu năm hợp nhất tăng 111% lên 55.618 tỷ đồng, chủ yếu do hợp nhất các mảng kinh doanh mới và tăng trưởng nội tại của tất cả các mảng kinh doanh. Chi phí hoạt động cao khiến lãi ròng giảm 76% còn 969 tỷ đồng.
Masan Group cho biết lợi nhuận giảm do tác động của việc hợp nhất với VinCommerce (EBITDA lỗ 1.279 tỷ đồng và phân bổ lợi thế thương mại, phân bổ giá trị hợp lý); chi phí lãi vay tăng và tác động của Covid-19 trên giá hàng hóa.
Trong năm 2020, Masan Group đề ra chỉ tiêu doanh thu thuần từ 75.000-85.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế từ 1.000-3.000 tỷ đồng. Như vậy, tập đoàn hoàn thành được khoảng 81% so với mức kế hoạch lợi nhuận thấp nhất và 27% so với kế hoạch mức cao.
Dự báo cho quý IV, VinCommerce đặt mục tiêu đạt EBITDA hòa vốn trong các tháng cuối năm, trong khi duy trì mức tăng trưởng doanh thu trên 10% so với quý III nhờ tăng trưởng doanh thu hiện tại và tối ưu hóa danh mục sản phẩm, đàm phán lại các điều khoản với nhà cung cấp.
Nền tảng thịt tích hợp của Masan MEATLife dự kiến sẽ duy trì đà tăng trưởng hai chữ số so với quý trước, thịt chế biến đóng góp 10% doanh thu từ thịt vào cuối năm. Masan Consumer Holdings trong quý IV dự kiến tiếp tục tăng trưởng doanh thu 25% - 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên Masan Group cho rằng hoạt động kinh doanh vẫn có thể đối mặt với các rủi ro trong quý IV nếu dịch Covid-19 quay trở lại gây tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh siêu thị của The CrownX. Dịch tả heo châu Phi (ASF) tái xuất hiện trên diện rộng có thể gây ra biến động đáng kể cho hoạt động kinh doanh thức ăn chăn nuôi...