Một hãng hàng không Việt vừa bắt tay một công ty chuyển phát nhanh toàn cầu để chuyển sang vận tải hàng hoá. Nhằm thoát ảnh hưởng dịch Covid-19 và nâng sức tăng trưởng cho thị trường vận chuyển hàng không Việt, rất cần những cú bắt tay như vậy, nhưng giá cước cao vẫn là một trở ngại lớn.
Vài tháng trước, CTCP hàng không VietJet và công ty chuyển phát nhanh toàn cầu UPS đã bắt tay nhau trong việc đưa hàng may mặc, hải sản, trang thiết bị y tế và các sản phẩm từ Việt Nam, Thái Lan và các nước lân cận về Hà Nội rồi vận chuyển đến Mỹ trên các chuyến bay hàng tuần thông qua cửa ngỏ Incheon, Hàn Quốc.
Cái bắt tay giữa các "ông lớn"
Ngoài ra, hai doanh nghiệp (DN) trên cũng hợp tác vận chuyển hàng hóa giữa Bangkok, Kuala Lumpur, Hà Nội và Tp.HCM. Còn trong tháng 11/2020 thì giữa UPS và VietJet đã thông báo chính thức hợp tác kinh doanh vận chuyển hàng hóa giữa châu Á và Mỹ.
Vận chuyển hàng hoá qua đường hàng không ở Việt Nam còn vướng trở ngại giá cước cao.
Động thái này được cho là một trong những nỗ lực thoát khỏi ảnh hưởng dịch bệnh của hãng hàng không Việt nêu trên trong việc chuyển sang khai thác vận tải hàng hoá - một phần của lĩnh vực air logistics (dịch vụ hậu cần vận tải hàng không).
Như chia sẻ của ông Russell Reed, Giám đốc điều hành UPS khu vực Việt Nam và Thái Lan, việc hợp tác này đánh dấu một nỗ lực để điều chỉnh lại ngành logistics trong bối cảnh đại dịch. Nhất là khi các nhà xuất khẩu (XK) cũng dựa vào các chuyến bay này để vận chuyển hàng hóa.
Giới chuyên gia nhận định việc bắt tay giữa các “ông lớn” trong ngành hàng không Việt với các nhà chuyển phát nhanh toàn cầu như vậy là rất cần thiết trong lúc này khi mà nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu bước vào giai đoạn phục hồi hậu Covid-19.
Hơn nữa, điều đó có thể phần nào giúp nâng sức tăng trưởng thị trường vận chuyển hàng không ở Việt Nam trong thời gian tới. Bởi hiện tại, Việt Nam vẫn chưa được đánh giá là thị trường lớn cho vận chuyển hàng không khi còn nhiều mặt hạn chế.
Chẳng hạn với XK nông sản, như lưu ý của Bộ Công Thương thì việc sử dụng phương thức vận tải biển là chủ yếu do giá cước vận tải hàng không cao.
Như trong mùa dịch Covid-19, nhiều phản ánh cho thấy giá cước đường hàng không tăng gấp 2-4 lần so với trước thời điểm xảy ra dịch bệnh do thiếu máy bay vận chuyển hàng hóa.
Chưa kể, ngoài trả cước phí hàng không, chủ hàng còn phải trả một số khoản phí khác như: DO (phí lệnh giao hàng), handling (một loại phí trong ngành logistics và hầu hết các lô hàng khi xuất nhập khẩu đều phải nộp loại phí này), lệ phí sân bay…
Điển hình là giá cước cho XK trái cây đi Trung Đông đã tăng từ 1,5 - 1,8 USD/kg lên 6 USD/kg. Hoặc XK trái cây sang Mỹ bình thường vào khoảng 3,2 USD/kg, nhưng thời điểm dịch bệnh đã tăng lên 4,6 - 5,4 USD/kg.
Giá cước vận chuyển hàng không còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố. Chẳng hạn như vận chuyển rau củ quả, hải sản tươi sống hay thực phẩm thì tất nhiên phải được bảo quản ở khoang lạnh. Như vậy thì giá vận chuyển cũng biến đổi hơn so với hàng hóa để ở khoang thường. Hay những hàng hóa nặng hay cồng kềnh thì giá vận chuyển cũng ở mức tính khác thông thường.
Còn vướng giá cước quá cao
Hay như việc XK hoa tươi, theo Bộ Công Thương, hiện cảng hàng không trong nước không đủ năng lực kho bãi để xử lý đơn hàng lớn vào mùa cao điểm dẫn đến thời gian bị kéo dài.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, bà Anna Phạm, giám đốc một DN dịch vụ logistisc, cho rằng các công ty xuất nhập khẩu mong chờ giá cước vận chuyển hàng không sẽ giảm để giảm bớt được giá thành sản phẩm. Trong khi đó, cần phải nhìn nhận giá cước vận chuyển hàng không ở Việt Nam vẫn cao và có sự gia tăng theo thời gian.
Thực tế là khi giá vận chuyển hàng không lên quá cao thì nhiều mặt hàng nông sản đa phần XK bằng đường biển để duy trì thị trường. Tuy nhiên, nhất là với XK một số loại trái cây tươi thì thời gian vận chuyển bằng đường biển lại kéo dài nhiều DN vẫn nhắm đến XK bằng đường hàng không.
Như chia sẻ của bà Lisa Loan, phụ trách đại lý nước ngoài của một công ty giao nhận và vận chuyển đa quốc gia, thì công ty vẫn thường nhận vận chuyển những đơn hàng xuất khẩu (XK) gấp từ Việt Nam bằng đường hàng không với mặt hàng trái cây tươi.
Theo giới chuyên gia, để phát triển vận chuyển hàng không dành cho mặt hàng nông sản Việt, thì phải có một hãng hàng không (cargo airlines) với đội bay chuyên chở hàng hóa riêng biệt, cho các tuyến đường riêng biệt như chuyển phát nhanh, có như vậy thì cước phí mới có thể kéo giảm.
Mặt khác, lĩnh vực air logistics Việt cũng cần đầu tư mạnh vào hệ thống logistics phục vụ lưu trữ, bảo quản, thông quan bảo đảm chất lượng cho nông sản Việt.
Mặc dù vậy, vẫn có những dự báo hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam thông qua vận chuyển hàng không sẽ rất lớn trong các năm tới từ tác động của một loạt hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang tham gia.
Còn nếu theo xu hướng chung của thị trường vận chuyển hàng không thế giới, thì như dự báo của công ty nghiên cứu thị trường Research and Markets, thị trường vận tải hàng hóa hàng không trong giai đoạn 2020-2025 dự kiến sẽ tăng trưởng.
Điều này được lý giải là do trong đó nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu khi kinh tế và thương mại thế giới đang phục hồi dần hậu Covid-19.
Không những vậy, sự gia tăng của thương mại điện tử xuyên biên giới đang gây áp lực lên các kênh bán hàng với yêu cầu phải giao hàng nhanh hơn và việc vận chuyển thông qua đường hàng không là một trong những lựa chọn ưu tiên.