Các thị trường chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương trái chiều do nhà đầu tư vẫn thận trọng về tác động kinh tế ngắn hạn từ đại dịch Covid-19 trong bối cảnh số ca nhiễm trên thế giới tiếp tục tăng.
Tâm lý Phố Wall được cải thiện sau khi các nghị sĩ Mỹ nối lại đàm phán về gói hỗ trợ kinh tế tiếp theo.
Số ca nhiễm Covid-19 trên thế giới đã vượt mốc 56 triệu, gây gián đoạn đáng kể kinh tế thế giới và cũng đẩy nợ toàn cầu lên đỉnh mới.
Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản tăng 0,41%.
Tại Nhật Bản, Nikkei 225 giảm 0,51% còn Topix giảm 0,22%.
Số liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi trong tháng 10 của Nhật Bản giảm mạnh nhất gần thập kỷ, dấy lên lo ngại giảm phát tại nền kinh tế đang chật vật ứng phó Covid-19. Hoạt động sản xuất trong tháng 11 cũng đang có xu hướng giảm mạnh hơn tháng trước.
Kospi của Hàn Quốc tăng 0,19%.
Thị trường Trung Quốc tăng với Shanghai Composite tăng 0,11%, Shenzhen Component tăng 0,35%, Shenzhen Composite tăng 0,27%. Tại Hong Kong, Hang Seng tăng 0,45%.
Chỉ số ASX 200 của Australia giảm đầu phiên sau đó đảo chiều tăng 0,18%.
Chứng khoán châu Á trái chiều sau khi tâm lý nhà đầu tư trên Phố Wall cải thiện, giúp tránh được phiên giảm thứ ba liên tiếp trong ngày 19/11. Các nghị sĩ Mỹ nối lại đàm phán về gói hỗ trợ kinh tế tiếp theo. Tuy nhiên, các chỉ số tương lai của thị trường Mỹ lại đang giảm.
“Thị trường vẫn thận trọng, cân bằng giữa triển vọng trung hạn rất tích cực nhờ kỳ vọng vaccine Covid-19 và diễn biến đại dịch hiện tại, với nhiều nơi tại Mỹ đã phải thắt chặt hạn chế”, Tapas Strickland, giám đốc kinh tế và thị trường tại National Australia Bank, lưu ý.
Covid-19 hiện lây nhiễm cho hơn 56 triệu người trên thế giới, khiến kinh tế toàn cầu gặp gián đoạn. Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho biết tổng nợ toàn cầu đã tăng vượt 272.000 tỷ USD trong quý III và dự kiến chạm 277.000 tỷ USD vào cuối năm, tức 365% GDP toàn cầu.