Dự báo lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2020 giảm trên 80%, khách du lịch nội địa giảm 45%, ước tính tổng thiệt hại lên tới 23 tỷ USD. Trong bối cảnh này, ngành du lịch cần tập trung nâng cao chất lượng, cơ cấu lại thị trường khách… để đưa du lịch phục hồi và phát triển.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, ngành du lịch cần cơ cấu lại thị trường khách du lịch, chú trọng khách nội địa (Ảnh: Int)
Theo đánh giá của Bộ VH-TT&DL, ngành du lịch Việt Nam giai đoạn 2015-2019 phát triển mạnh mẽ, khách quốc tế đến Việt Nam tăng 2,3 lần, tổng thu từ du lịch tăng từ 355.000 tỷ đồng lên 755.000 tỷ đồng. Năm 2019, ngành du lịch đóng góp trên 9,2% vào GDP cả nước.
Thiệt hại 23 tỷ USD
Tuy nhiên, năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát tác động trực tiếp đến ngành du lịch thế giới nói chung và ngành du lịch Việt Nam nói riêng. Từ tháng 3/2020, Việt Nam dừng đón khách quốc tế, chỉ còn hoạt động du lịch nội địa.
Bộ VH-TT&DL dự kiến, lượng khách quốc tế cả năm 2020 ước chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80%. Khách nội địa đến hết tháng 11/2020 ước đạt 49 triệu lượt, giảm 37,6% so với cùng kỳ năm 2019; khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động; công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%. Tổng thu du lịch cả nước thiệt hại lên tới 530.000 tỷ đồng, tương đương 23 tỷ USD.
Trong bối cảnh đó, tháng 5/2020, Bộ VH-TT&DL đã phát động chương trình "Người Việt Nam du lịch Việt Nam" với mục tiêu kích cầu du lịch nội địa, từng bước khôi phục hoạt động du lịch sau dịch. Nhờ đó, chỉ tính riêng trong tháng 6, lượng khách nội địa tăng mạnh, trung bình từ 1,5 - 3 lần so với tháng 5.
Tháng 9, Bộ VH-TT&DL tiếp tục phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa giai đoạn 2 với chủ đề "Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn". Đến tháng 11/2020, tổng khách du lịch nội địa đạt 49 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch trong 11 tháng năm 2020 ước đạt hơn 280.000 tỷ đồng, giảm 56,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Công suất sử dụng phòng khách sạn ở nhiều địa phương như: Đà Lạt, Sầm Sơn, Sa Pa, Hạ Long, Phú Quốc... đã đạt tới 30 - 50%, thời kỳ cao điểm, cuối tuần lên tới 80-90%.
Hội đồng tư vấn Du lịch (TAB) và báo điện tử VnExpress đã tiến hành khảo sát nhu cầu và xu hướng tiêu dùng của khách du lịch Việt Nam nhằm giúp các cơ quan chức năng, doanh nghiệp du lịch nhận định chính xác hơn về thị trường.
Kết quả khảo sát cho thấy, trên 41% số người được hỏi đã sẵn sàng đi du lịch ngay từ tháng 9-11/2020. Có 20,1% muốn đi du lịch từ tháng 12/2020 - 1/2021. Bên cạnh đó, 12,4% có kế hoạch đi du lịch vào dịp tết âm lịch, từ tháng 2-4/2021; 18,2% muốn đi du lịch vào dịp nghỉ hè (từ tháng 5-9/2021) và chỉ có 8,1% số người cho rằng sẽ đi du lịch muộn hơn.
Theo kết quả khảo sát, các địa điểm được đông đảo du khách muốn ghé thăm đều là những điểm đến nổi tiếng như Lâm Đồng, Đà Nẵng, Hà Giang, Khánh Hòa, Kiên Giang, Hà Nội… Các hoạt động được du khách quan tâm là nghỉ dưỡng biển, khám phá ẩm thực, khám phá thiên nhiên, nghỉ dưỡng núi, tìm hiểu văn hóa lịch sử, vui chơi giải trí.
4 nhóm giải pháp “giải cứu”
Ông Dương Vũ Nam, Tổng giám đốc Sun Group cho biết, trong khi thế giới đang chật vật đối mặt với Covid-19, thì Việt Nam là quốc gia kiểm soát dịch tốt nhất. Do đó, ngành du lịch cần phát triển những sản phẩm du lịch mới, đáp ứng xu thế mới như: trải nghiệm cùng gia đình, dịch vụ khác biệt, đẳng cấp cần những sản phẩm có tầm, có tâm; khuyến khích những doanh nghiệp có sản phẩm độc đáo; gia tăng trải nghiệm tăng thời gian lưu trú, chi tiêu bằng mô hình kinh tế đêm...
Còn theo ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Saigontourist, dù không mong muốn nhưng Việt Nam cần kịch bản để ứng phó kịp thời. Việt Nam mới có khảo sát xu hướng du lịch của khách mà chưa khảo sát nguyên nhân ảnh hưởng đến du khách không đi du lịch.
“Chúng ta xác định sống chung với lũ thì không thể chờ có vắc-xin mới đi du lịch, đi du lịch trong tình hình dịch bệnh hiện nay thì cần có cơ chế và kịch bản..”, ông Tài nói.
Định hướng phát triển du lịch trong thời gian tới, mới đây tại Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị ngành du lịch cần tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, ngành du lịch cần hướng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch ở tất cả các phân khúc nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của các đối tượng khách du lịch.
Thứ hai, cần tập trung cơ cấu lại thị trường khách du lịch, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, ngành du lịch Việt Nam cần chú trọng phát triển thị trường du lịch nội địa, làm điểm tựa cho phục hồi và phát triển bền vững trong giai đoạn tới.
Thứ ba, tiếp tục đặt tiêu chí du lịch an toàn lên hàng đầu. Bởi qua tháng 7 cho thấy, dịch bùng phát trở lại đã làm ngưng trệ hoạt động du lịch trên cả nước.
Thứ tư, cần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch. Phó Thủ tướng hoan nghênh các địa phương, doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả hoạt động.