HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) vừa thông qua chủ trương góp vốn thành lập hai công ty thành viên là Công ty Cổ phần Ống thép và Tôn mạ màu Hòa Phát và Công ty Cổ phần Gang thép Hòa Phát.
Cụ thể, Ống thép và Tôn mạ màu Hòa Phát dự kiến có vốn điều lệ 3.500 tỷ đồng, tập đoàn sở hữu 99,99% vốn, là doanh nghiệp đầu mối quản lý các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh ống thép và tôn mạ màu.
Trụ sở chính của công ty đặt ở số 39 Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, ông Nguyễn Mạnh Tuấn sẽ chịu trách nhiệm quản lý phần vốn góp của tập đoàn tại công ty thành viên này.
Còn về Gang thép Hòa Phát, công ty này dự kiến có vốn điều lệ lên đến 39.000 tỷ đồng, trong đó tập đoàn nắm giữ 99,998% vốn, do ông Nguyễn Việt Thắng, Phó tổng giám đốc tập đoàn quản lý phần vốn góp.
Công ty sẽ quản lý các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh thép xây dựng. Trụ sở chính ở số 66 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Động thái này nằm trong lộ trình tái cơ cấu mô hình tổ chức với 4 "sếu đầu đàn" phụ trách từng lĩnh vực hoạt động chính của tập đoàn Hòa Phát là Tổng công ty Gang Thép, Tổng công ty Ống thép và Tôn mạ màu, Tổng công ty Phát triển Nông nghiệp, Tổng công ty Phát triển Bất động sản.
Trong đó, Tổng công ty Phát triển Nông nghiệp Hòa Phát đã được thành lập từ năm 2016, bao gồm 5 công ty thành viên là Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Hòa Phát Hưng Yên, Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Hòa Phát Đồng Nai, Công ty CP Phát triển Chăn nuôi Hòa Phát, Công ty TNHH Thương mại Hòa Phát, Công ty TNHH Gia cầm Hòa Phát.
Tương tự, Tổng công ty Phát triển Bất động sản Hòa Phát cũng mới được thành lập vào ngày 8/12/2020 với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng. Tỷ lệ góp vốn của tập đoàn là 99,9%, tương đương 1.998 tỷ đồng.
Theo mô hình hoạt động mới của tập đoàn, 2 đơn vị nhỏ hơn của Tổng công ty Phát triển Bất động sản là Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển Đô thị Hòa Phát và Công ty TNHH Điện lạnh Hòa Phát.
Ngoài ra, tập đoàn Hòa Phát cũng mới tiết lộ về việc thoái vốn khỏi ngành nội thất trong năm 2021. Nguyên nhân tập đoàn đưa ra là do tính chất thủ công, kinh tế gia đình của ngành nội thất, cần sử dụng nhiều lao động phổ thông, không phù hợp với mô hình sản xuất của tập đoàn.
Với mô hình hoạt động mới này, tập đoàn Hòa Phát nhận được rất nhiều kì vọng của giới quan sát. Đơn cử như Công ty chứng khoán HSC nhận định, từ năm 2021, tập đoàn sẽ chỉ có 4 tổng công ty thay vì 11 công ty con như trước đây, việc quản lý sẽ hiệu quả hơn do các quy trình được đơn giản hóa.