Theo quan điểm của VDSC, bán hàng vào các dự án đang là điểm mà Nhựa Bình Minh còn dư địa để cải thiện, đặc biệt trong bối cảnh chi tiêu của chính phủ được kỳ vọng là đầu tàu thúc đẩy nhu cầu xây dựng.
Trong báo cáo phân tích về Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (HoSE:
BMP), chuyên gia của Công ty
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) bày tỏ ngạc nhiên về sản lượng bán hàng của Nhựa Bình Minh trong 9 tháng năm 2020. Theo đó, sản lượng vẫn tăng trưởng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp tác động của dịch Covid-19 lên toàn bộ chuỗi ngành bất động sản, xây dựng và vật liệu.
Ngoài ra, mức tăng lợi nhuận sau thuế cũng ấn tượng, đạt 25%, một phần do giá bột nhựa PVC giảm mạnh trong năm.
Trên thực tế, Nhựa Bình Minh đã thực hiện cải tổ mạnh mẽ trong những năm qua.
Cải tổ lớn nhất mà Nhựa Bình Minh thực hiện trong vài năm trở lại đây, theo VDSC, là việc tái cấu trúc hệ thống phân phối để giảm “bát nháo” trong khâu thương mại.
Cụ thể, "ông lớn" ngành nhựa này đã giảm số lượng nhà phân phối từ vài trăm còn chưa đầy 30 nhà phân phối cấp 1, khiến việc quản lý các khách hàng này hiệu quả hơn, đặc biệt là công nợ. Đây được cho là một trong những yếu tố đóng góp vào việc Nhựa Bình Minh thu về hơn 900 tỷ đồng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh năm 2019, trong đó 659 tỷ đồng đến từ việc thu hồi vốn lưu động.
Tuy nhiên, sau 3 quý năm 2020, khoản phải thu này đã tăng lại. Nhựa Bình Minh cho biết, về bản chất, doanh nghiệp không siết chặt chính sách trả chậm cho các nhà phân phối truyền thống. Tuy nhiên, công ty tập trung vào xử lý dòng tiền cho mảng kinh doanh dự án chặt chẽ hơn, nhằm giới hạn mức công nợ với nhóm khách hàng này.
VDSC cho rằng Nhựa Bình Minh đã cải thiện chất lượng các khoản phải thu nhờ tổ chức lại hệ thống phân phối, bao gồm các đại lý có năng lực tài chính tốt, trong khi các con số về giảm khoản phải thu trong ngắn hạn có thể chỉ là tạm thời.
Chuyên gia của VDSC đánh giá cao những động lực mà Nawaplastics - cổ đông chi phối, thành viên của tập đoàn Thái Lan SCG - đã mang lại để thúc đẩy Nhựa Bình Minh liên tục cải thiện, dù là trong những khâu vận hành, quản lý nhỏ nhặt nhất. Những thay đổi này trong dài hạn sẽ giúp cải thiện lợi nhuận cho Nhựa Bình Minh, đồng thời cũng là cải thiện dòng tiền hoàn trả về cho cổ đông dưới dạng cổ tức.
Theo quan điểm của VDSC, bán hàng vào các dự án đang là điểm mà Nhựa Bình Minh còn dư địa để cải thiện. Từ trước tới nay, Nhựa Bình Minh chủ yếu có lợi thế khi bán hàng cho người tiêu dùng là hộ gia đình. Trong khi đó, bán trực tiếp cho các dự án, chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước làm hạ tầng nước gặp tương đối nhiều khó khăn.
Công ty chứng khoán này nhận thấy đối trọng của Nhựa Bình Minh tại miền Bắc là Nhựa Tiền Phong tỏ ra linh hoạt hơn trong việc khai thác thị trường này. Mặc dù đặc trưng của tập khách hàng này là mang lại ít lợi nhuận và nhiều rủi ro về dòng tiền hơn cho các nhà sản xuất vật liệu xây dựng nói chung nhưng đây là thị trường tiêu thụ sẽ “cứu cánh” cho các nhà sản xuất ống nhựa nói chung, đặc biệt trong bối cảnh thu nhập giảm do Covid-19 và chi tiêu của chính phủ được kỳ vọng là đầu tàu thúc đẩy nhu cầu xây dựng.