-
Cổ đông Sữa Quốc tế đã thông qua việc đăng ký giao dịch gần 59 triệu cổ phiếu trên UPCoM.
-
Công ty cũng được chấp thuận bổ sung một số ngành nghề kinh doanh và có 2 đại diện theo pháp luật.
Tại ĐHĐCĐ bất thường ngày 18/12, cổ đông Sữa Quốc tế (IDP) đã thông qua việc đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống UPCoM tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và bổ sung ngành nghề kinh doanh.
Tổng khối lượng đăng ký gần 59 triệu cổ phiếu. Thời gian chốt danh sách cổ đông để lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và giao dịch trên UPCoM vào ngày 4/12. Thời gian thực hiện bắt đầu trong quý IV.
Cổ đông cũng chấp thuận bổ sung ngành sản xuất các loại bánh từ bột; sản xuất ca cao, sôcôla và mứt kẹo. Công ty sẽ có 2 người đại diện theo pháp luật là Tổng giám đốc và Chủ tịch HĐQT (ông Tô Hải).
Trước cuộc họp bất thường, cơ cấu cổ đông IDP cũng có biến động. Blue Point đã bán ra 5,68 triệu cổ phiếu để giảm tỷ lệ sở hữu từ 70,2% xuống còn 60,6% trong thời gian 2-4/12.
Ở chiều ngược lại, vào ngày 14/12, CTCP Lothamilk đã nhận chuyển nhượng 2 triệu cổ phiếu qua giao dịch thoả thuận để tăng nắm giữ lên 6 triệu đơn vị (tỷ lệ 10,18%). Tổng giám đốc Đặng Phạm Minh Loan cũng nhận chuyển nhượng gần 2,95 triệu cổ phiếu qua giao dịch thoả thuận để nắm giữ hơn 5% vốn.
Chủ thương hiệu sữa ba Vì, Kun đã được thông qua chủ trương lên sàn chứng khoán.
Các công ty ngành sữa giao dịch trên thị trường chứng khoán gồm Vinamilk (HoSE:
VNM) niêm yết tại HoSE và Sữa Hà Nội (Hanoimilk) đang giao dịch tại UPCoM. Hôm nay, công ty Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) có phiên giao dịch đầu tiên tại UPCoM.
Sữa Quốc tế được thành lập năm 2004 với các thương hiệu nổi tiếng Sữa Ba Vì, Love’in Farm. Công ty từng nhận được đầu tư của VinaCapital và tập đoàn Daiwa năm 2014. Đến 2019, nhóm cổ đông Blue Point, Chứng khoán Bản Việt và Lothamilk bắt đầu tiếp quản lại doanh nghiệp sữa này.
Từng thua lỗ rất lớn trong giai đoạn 2016-2018, Sữa Quốc tế bất ngờ lột xác khi liên tiếp có lãi từ 2019 đến nay. Báo cáo quý III cho thấy biên lợi nhuận gộp lên đến 41,7%, xấp xỉ với Vinamilk dù không có lợi thế về quy mô như doanh nghiệp đầu ngành sữa.
Lợi nhuận sau thuế quý III gấp 4,2 lần cùng kỳ đạt gần 159 tỷ đồng và lũy kế 9 tháng gấp 3,3 lần cùng kỳ đạt hơn 309 tỷ đồng. Tuy nhiên do yếu tố quá khứ, lỗ lũy kế của Sữa Quốc tế vẫn còn ghi nhận gần 270 tỷ đồng.