Theo thông lệ thị trường gạo sẽ năm được, năm mất. Năm ngoái đã xuất khẩu gạo thành công nên năm nay mọi người nghĩ sẽ gặp khó khăn nhưng thực tế thì xuất khẩu gạo năm nay rất tốt, tốt hơn cả năm rồi.
Nông dân huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) phơi lúa - Ảnh: Nguyễn Huyền
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo tháng 11/2020, ước đạt 370 ngàn tấn gạo, với 198 triệu USD, so với tháng 11/2019 tăng 1,21% về lượng, tăng 17,5% về giá trị. Cộng dồn 11 tháng đạt 5,721 triệu tấn gạo, trị giá 2,837 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2019 giảm 2,52% về lượng nhưng tăng 10,03% về giá trị xuất khẩu.
Năm 2020 – năm thành công của ngành lúa gạo
Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám Đốc Intimex Group – doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu Việt Nam cho biết, theo thông lệ thị trường năm được, năm mất. Năm ngoái đã xuất khẩu gạo thành công nên năm nay mọi người nghĩ xuất khẩu gạo sẽ gặp khó khăn nhưng thực tế thì xuất khẩu gạo năm nay rất tốt, tốt hơn cả năm rồi.
Mặc dù thời tiết cũng không phải hoàn toàn thuận lợi và từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện đã làm cho thị trường gạo có nhiều biến động, nhưng xuất khẩu gạo đã rất thành công, quan trọng nhất là nhờ vào cơ cấu gạo xuất khẩu.
Đặc biệt, đối với gạo thơm đã được đầu tư lớn, dẫn đến xuất khẩu gạo đạt hiệu quả cao và thị trường tiêu thụ cũng tốt hơn. Trong khi đó, lượng gạo trắng và gạo trắng thường có thấp so với các năm nên cung không đủ cầu đẩy giá xuất khẩu tăng, góp phần giúp hiệu quả xuất khẩu gạo tốt lên thêm.
Thứ hai, do từ tháng 9 là thị trường Philippines ngừng nhập khẩu gạo từ Việt Nam nên có khó khăn, nhưng nhu cầu từ các thị trường khác vẫn ổn định nên đến thời điểm cuối năm giá gạo xuất khẩu vẫn tốt và bà con nông dân cũng đẩy mạnh sản xuất.
“Nhìn lại hoạt động sản xuất và xuất khẩu gạo trong năm 2020 thì rõ ràng đây là một năm rất thành công của ngành gạo, từ cơ cấu gạo xuất khẩu cho đến thị trường tiêu thụ, góp phần làm cho ngành gạo tốt lên rất nhiều so với các năm trước đây. Hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam được cho là cao nhất trong nhiều năm qua, bên cạnh đó, vì thế có hạt gạo Việt Nam trên thị trường cũng đã được nâng lên, người ta không còn nhìn vào Việt Nam như là một nước xuất khẩu gạo cấp thấp mà là nước xuất khẩu gạo cấp trung bình đến cấp cao”, ông Nam nhận định.
Nhìn chung, 2020 là một năm ổn định đối với ngành gạo dù thị trường có nhiều biến động lúc lên, lúc xuống đã phần nào ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp, nhưng phần lớn các doanh nghiệp đều phấn khởi. Tuy nhiên, do những rủi ro từ các năm trước đây của ngành lương thực khiến các ngân hàng đã hạn chế cho vay nên có khá nhiều các doanh nghiệp bị hạn chế về nguồn vốn vay dẫn khó khăn.
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần chú ý đến Thái Lan
Đánh giá hoạt động xuất khẩu gạo trong năm 2020, một chuyên gia phân tích thị trường lúa gạo nhận định, năm nay có thể nói là năm thành công của ngành gạo, mặc dầu lượng gạo xuất khẩu không bằng năm 2019 nhưng giá gạo xuất khẩu rất tốt giá trị mang về cao so với năm 2019. Gạo là điểm sáng trong số ít các mặt hàng nông sản xuất khẩu trong năm 2020.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt giá trị cao nhưng cũng đừng quá chủ quan, vì năm nay do Thái Lan bị mất mùa nên gạo Việt Nam có lợi thế hơn, năm sau khi họ không bị mất mùa và quay lại thị trường mạnh mẽ hơn thì sẽ có khó khăn hơn cho gạo Việt Nam.
“Do mất mùa, năm nay xuất khẩu gạo của Thái Lan giảm hơn một triệu tấn, giả sử năm sau Thái Lan quay lại thị trường xuất khẩu hơn 1 triệu tấn, thậm chí 1,5 đến 2 triệu tấn thì thị trường gạo trên thế giới sẽ như thế nào? Chúng ta phải lường trước được tình huống này”, chuyền gia này nhắc nhỡ.
Dự báo, vụ Đông Xuân 2020 -2021, Philippines sẽ vẫn duy trì mua gạo và có thể sẽ tăng lượng gạo nhập khẩu và thị trường họ nhắm đến vẫn là Việt Nam, nhưng áp lực từ Thái Lan cũng không hề nhỏ. Song, Thái Lan cũng rất khó cạnh tranh với Việt Nam về vận chuyển, và Philippines là thị trường truyền thống của Việt Nam từ rất lâu, cộng với chủng loại gạo của Việt Nam rất được người tiêu dùng Philippines ưa chuộng nên gạo Thái Lan rất khó cạnh tranh.
Đây là lợi thế của gạo Việt Nam ở thị trường Philippines, nhưng ở thị trường châu Phi Việt Nam có thể gặp khó khăn, vì khi Thái Lan quay lại mạnh mẽ sẽ tạo áp lực về giá. Đối với thị trường Malaysia, nước này vẫn duy trì lượng gạo nhập khẩu đều đặn. Tuy nhiên, trước đây họ chỉ mua gạo của Việt Nam và Thái Lan nhưng nay họ đa dạng hóa thị trường và hướng tới nhập khẩu gạo giá rẻ nên họ cũng mua gạo của Ấn Độ và Miến Điện.
Tính thời điểm này Indonesia vẫn chưa có tín hiệu sẽ nhập khẩu gạo cho năm mới còn thị trường Trung Quốc vẫn áp quota lên gạo Việt Nam, nhưng đối với mặt hàng nếp sẽ có xu hướng xuất khẩu biên mậu qua Campuchia, sau đó xuất qua Trung Quốc.