Theo báo cáo tài chính quý IV/2019, VinaCafé Biên Hòa (HoSE:
VCF) đạt 1.087 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán giảm mạnh 13% giúp lãi gộp tăng 12% lên 313,7 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp ở mức 28,9% trong khi cùng kỳ còn số này là hơn 24%.
Mặc dù là công ty trong ngành tiêu dùng nhanh (FMCG), chi phí bán hàng của VinaCafé Biên Hòa rất thấp do tính chung vào hệ thống của Masan Consumer - công ty mẹ. Sau khi trừ đi các khoản chi phí phát sinh trong kỳ, công ty báo lãi sau thuế 264 tỷ đồng, tăng 26,7% so với quý IV/2018.
Lũy kế cả năm 2019, doanh thu thuần đạt 3.097,4 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ, nhưng nhờ giá vốn giảm sâu 14% nên lợi nhuận gộp tăng 3%. Lợi nhuận sau thuế đạt 678 tỷ đồng, tăng 6,4% so với năm 2018. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tăng 6,4% và đạt 680 tỷ đồng và hoàn thành kế hoạch mà ĐHĐCĐ giao phó hồi đầu năm là từ 650 - 750 tỷ đồng. EPS đạt 25.615 đồng - đây là mức cao nhất thị trường.
Đơn vị: tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/12, tổng tài sản ở mức tương đương số đầu năm và đạt 2.225,3 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn đạt 1.651 tỷ đồng, tăng 5%, trong đó chủ yếu là khoản phải thu của khách hàng với 1.208 tỷ đồng, tăng 10,8%. Nợ phải trả giảm từ 814 tỷ đồng xuống 783 tỷ đồng.
Chốt phiên giao dịch ngày 6/2, cổ phiếu
VCF vượt qua SAB của Sabeco để vươn lên thành cổ phiếu có thị giá lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam với 200.000 đồng/cp. Tuy nhiên, thanh khoản luôn duy trì ở mức rất thấp, với khối lượng giao dịch chỉ vài trăm cổ phiếu do tỷ lệ cổ đông cô đặc. Masan Beverage đang nắm đến 98,49% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Vinacafe Biên Hòa.
Bảo Lâm
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.