MSCI châu Á - Thái Bình Dương trừ Nhật Bản giảm 0,8% về cuối phiên 13/3 sau khi giảm hơn 5% trong phiên sáng. Chỉ số này đã giảm 11% kể từ đầu tuần đến nay, ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ năm 2008. Hầu hết chỉ số lớn trong khu vực giảm 1 - 6%.
Giảm mạnh nhất khu vực là cổ phiếu Nhật Bản với Nikkei 225 mất hơn 1.100 điểm, tương đương giảm 6%. Kospi của Hàn Quốc giảm 3,4%. Tại Trung Quốc, Shanghai Composite và Shenzhen Composite lần lượt giảm 1,2% và 1%. Hang Seng của Hong Kong cũng giảm 1,1% và NZX 50 của New Zealand giảm 5%.
Cổ phiếu tại Australia phục hồi về cuối phiên với ASX 200 của Australia tăng 4,4% khi giảm 8% trong phiên sáng. Tại Đông Nam Á, SET 50 của Thái Lan và Jakarta Composite của Indonesia cũng tăng 0,2 - 0,3%. Tuy nhiên, Straits Times của Singapore và KLCI của Malaysia vẫn giảm 1,2% và 5,2%.
Trong phiên sáng, các thị trường Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Indonesia đồng loạt kích hoạt lệnh ngừng giao dịch trong vài phút vì cổ phiếu giảm giá quá mạnh.
Tại Mỹ và châu Âu, có dấu hiệu cho thấy cổ phiếu cũng sẽ phục hồi khi mở phiên 13/3. Dow Jones futures tăng gần 600 điểm, ám chỉ chỉ số này có thể tăng 467 điểm khi mở phiên. S&P 500 futures và Nasdaq 100 futures lần lượt tăng 75 và 233 điểm. Tại châu Âu, Stoxx 50 futures cũng tăng 10 điểm.
Tâm lý của giới đầu tư bị tổn thương bởi những tin tức xung quanh dịch Covid-19. Dịch Covid-19 xuất hiện tại 126 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 134.000 người nhiễm, gần 5.000 người chết tính đến sáng 13/3. Dịch Covid-19 diễn biến nhanh khiến Tổng thống Donald Trump phải tuyên bố ngừng tất cả chuyến đi từ châu Âu qua Mỹ để ngăn chặn dịch lây lan, một quyết định gây sốc cho các thị trường tài chính thế giới.
Thị trường khởi sắc hơn khi các ngân hàng trung ương lớn đồng loạt triển khai biện pháp kích thích mới sau khi Tổ chức Y tế Thế giới công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Mới nhất, Ngân hàng Trung ương châu Âu tuyên bố tăng quy mô chương trình nới lỏng định lượng thêm 120 tỷ euro (135,3 tỷ USD) từ nay cho tới cuối năm 2020. Trước đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tuyên bố sẽ bơm 1.500 tỷ USD vào hệ thống tài chính để khắc phục hậu quả do Covid-19 gây ra.