Tại buổi họp báo chiều 27/3, Tổng Cục thống kê thông tin, hiện nguồn cung lúa tồn của kỳ trước và sản xuất đến quý I là 13,6 triệu tấn. Trong đó, riêng sản xuất của hai vụ là 11,3 triệu tấn và tồn của 3 tháng trước là 0,4 triệu tấn.
Về cầu, nhu cầu sử dụng và làm thức ăn chăn nuôi 0,85 triệu tấn, làm giống 0,3 triệu tấn, để ăn 3,8 triệu tấn (lúa), chế biến 2 triệu tấn, sử dụng khác là 0,5 triệu tấn, hao hụt gần 1 triệu tấn.
Ngành thống kê cho biết, dựa trên những số liệu có được, phương án xuất khẩu 1,5 triệu tấn gạo (2,3 triệu tấn lúa), cân đối giữa nguồn cung và nhu cầu sử dụng, nguồn dự trữ thì vẫn còn dư 150.000 tấn.
Trước đó, GS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cũng thông tin với VnExpress việc sản lượng vụ Đông Xuân 2019-2020 Đồng bằng sống Cửu Long hiện có hơn 1,5 triệu ha trồng lúa, ước thu được 5,5 triệu tấn gạo. Theo đó, giải pháp tốt nhất chỉ dự trữ 1,5 triệu tấn gạo, còn lại cho xuất 4 triệu tấn để nông dân được hưởng lợi.
Tại cuộc họp chiều 26/3 về rà soát nguồn cung và tình hình dự trữ gạo, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng cho biết, nguồn cung gạo trong nước và tại kho của các doanh nghiệp khá dồi dào, đủ để đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu.
Hôm nay (28/3) là thời hạn Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ kết quả rà soát nguồn cung, lượng dự trữ và xuất khẩu đề báo cáo Chính phủ quyết định điều chỉnh hoạt động xuất khẩu gạo. Trước đó, Tổng cục Hải quan đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu tạm dừng đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô gạo xuất khẩu dưới mọi hình thức từ 0h ngày 24/3.
Quyết định này được đưa ra nhằm thực hiện kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, dựa trên đề xuất của Bộ Công Thương, về việc dừng xuất khẩu gạo nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19.
Ngay sau khi chủ trương này được thực hiện, cuối ngày 24/3, Bộ Công Thương lại có văn bản hỏa tốc đề nghị Thủ tướng cho hoãn thực hiện, qua đó có thời gian đánh giá lại sản lượng thực tế vụ Đông Xuân, lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký, cũng như hàng tồn kho thực tế. Đề nghị mới này dựa trên cơ sở tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp.
Đến 25/3, Văn phòng Chính phủ có công văn yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính... thành lập đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với các địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ chốt để đánh giá nguồn cung, tình hình xuất khẩu và nguồn dự trữ thóc gạo. Kết quả kiểm tra cần được báo cáo trước ngày 28/3 và là cơ sở để quyết định khả năng nối lại xuất khẩu gạo.
Ngọc Hà
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.