Giá dầu giảm 5 lĩnh vực kinh doanh chính đều ảnh hưởng
Trong phiên giao dịch ngày 20/4, giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ giảm xuống dưới 0 USD/thùng lần đầu tiên trong lịch sử và chốt phiên ở mức âm 37,63 USD/thùng.
Thông tin về vấn đề này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, công thức giá bán dầu Việt Nam dựa trên trung bình giá tháng giao dầu của dầu Dated Brent do Platts định giá. Vì vậy, doanh thu của PVN cũng ảnh hưởng bởi dao động của giá dầu Brent do tâm lý chung của thị trường khi giá dầu WTI giảm sâu kỷ lục.
Theo định giá của Platts, giá dầu Dated Brent ngày 20/4/2020 là 19,1 USD/thùng, giảm 1 USD/thùng so với giá ngày 17/4. Trung bình từ đầu tháng 4, giá dầu Dated Brent ước đạt khoảng 20,5 USD/thùng.
PVN cũng cho biết, việc giảm giá dầu trong suốt thời gian từ đầu năm 2020 đến nay đã ảnh hưởng lớn đến doanh thu, hiệu quả của PVN và các đơn vị thành viên trong cả 5 lĩnh vực kinh doanh chính của PVN ở mức độ khác nhau.
Đối với lĩnh vực khai thác dầu khí, giá dầu cứ giảm 1 USD/thùng thì doanh thu sẽ giảm khoảng 2,2 nghìn tỷ đồng/năm. Với giá dầu ở mức 30 USD/thùng thì doanh thu sẽ giảm khoảng 55 nghìn tỷ đồng/năm (so với giá dầu kế hoạch là 60 USD/thùng). Hoạt động sản xuất và kinh doanh xăng dầu cũng chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19 và giá dầu xuống thấp khi nhu cầu vận tải, lưu thông sụt giảm.
Các nhà máy lọc dầu bị lỗ do tồn trữ, chênh lệch giá sản phẩm thấp (có lúc giá xăng thấp hơn giá dầu), nguy cơ dừng hoạt động do tồn kho cao. Về lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí cũng gặp khó tương tự khi các chủ đầu tư, nhà thầu có xu hướng cắt giảm và tối ưu hóa chi phí sản xuất.
Theo tính toán của PVN, giá dầu thô kế hoạch được Quốc hội thông qua cho năm 2020 là 60 USD/thùng do vậy, nộp ngân sách toàn tập đoàn giảm khoảng 18,6 nghìn tỷ đồng/năm.
Để ứng phó với biến động chưa từng có trong lịch sử trên thị trường dầu thô, PVN cho biết, ngay từ khi dịch bệnh có nguy cơ xảy ra và tác động kép của khủng hoảng giá dầu từ cuối tháng 1 và đầu tháng 2/2020, PVN đã chủ động tập trung nghiên cứu và đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 và khủng hoảng về giảm giá dầu để xây dựng và triển khai đồng bộ 5 nhóm giải pháp ứng phó (bao gồm các giải pháp về quản trị, đầu tư, tài chính, thị trường và cơ chế chính sách).
Trước những ý kiến cho rằng, Việt Nam nên mua dầu dự trữ khi giá dầu thô xuống thấp như hiện nay để tiết kiệm tài nguyên, PVN cho rằng, việc mua dầu thô để tích trữ là hướng đi đúng đắn và hợp lý mang lại nhiều cơ hội cho đất nước.
Tuy nhiên, theo PVN, thực tế có một số khó khăn như chưa có cơ chế chính sách về rủi ro cho hoạt động này (khi mua bắt đáy dẫn đến thua lỗ); Hạ tầng lưu chứa còn hạn chế, không có kho dự trữ quốc gia, hiện nay chỉ có 2 kho chứa dầu thô của 2 NMLD (Dung Quất, Nghi Sơn) phục vụ cho sản xuất của Nhà máy là chính. Việc thuê tàu trữ dầu không khả thi vào thời điểm này do tiềm lực tài chính còn khó khăn đặc biệt trong giai đoạn này.
Đề xuất sử dụng khoản tiền gửi tại Ocean Bank
Trước những khó khăn do tác động kép của giá dầu sụt giảm và dịch Covid-19, PVN đề xuất Chính phủ các khoản vay giá rẻ về vốn lưu động cho PVN và các đơn vị thành viên của PVN. Giãn khoản nợ vay tại các dự án/doanh nghiệp khó khăn của ngành.
Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng nhà nước Việt Nam cho phép PVN và các đơn vị thành viên được sử dụng khoản tiền gửi của PVN và các đơn vị thành viên tại Ocean Bank hoặc cho phép được sử dụng khoản tiền này để thanh toán các nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước.
Điều tiết thị trường bán lẻ xăng dầu, xem xét tạm dừng nhập khẩu xăng dầu, xem xét cân đối cung cầu giữa sản xuất trong nước và nhập khẩu, điều hành giá xăng dầu ở mức hợp lý để duy trì hoạt động cho chuỗi sản xuất kinh doanh từ khai thác đến chế biến, cung ứng sản phẩm để cứu nền kinh tế chung của đất nước, duy trì công ăn việc làm của người lao động.
Cuối cùng, đưa sản phẩm phân bón vào diện sản phẩm phải chịu thuế VAT với mức thuế suất 0%; đưa sản phẩm xăng dầu được chế biến từ tài nguyên dầu thô khi xuất khẩu được vào chịu thuế VAT. Xem xét bỏ quy định về thuế suất thuế xuất khẩu đối với sản phẩm phân bón.