Dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến nền kinh tế đình trệ, tổng cầu sụt giảm, qua đó ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quý I vẫn có những doanh nghiệp báo lãi tăng bằng lần so cùng kỳ hoặc chuyển lỗ thành lãi.
Lãi tăng bằng lần
Dịch bệnh khiến tổng cầu giảm nhưng cũng khiến giá một số mặt hàng là nguyên liệu đầu vào sản xuất giảm. Như giá cao su thiên nhiên giảm mạnh, ghi nhận mức thấp kỷ lục 130 JPY/kg vào cuối tháng 3. Đồng thời, giá dầu thêm tác động của cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Arab Saudi đẩy xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm, nhờ vậy giá cao su tổng hợp, than đen và hóa chất giảm.
Theo đó, loạt doanh nghiệp ngành săm lốp tuy doanh thu giảm hoặc tăng nhẹ nhưng lợi nhuận gấp đôi, gấp 3 lần cùng kỳ. Cụ thể, quý I, doanh thu thuần của Cao su Đà Nẵng (HoSE:
DRC) giảm nhẹ 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Giá nguyên vật liệu giảm giúp biên lãi gộp cải thiện đáng kể, tăng từ 9,7% lên 14,5%. Qua đó, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 37,4 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ.
Tương tự, Cao su Sao Vàng (HoSE:
SRC) cũng bị giảm doanh thu do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Song giá vật tư đầu vào giảm đẩy lợi nhuận sau thuế gấp gần 3 lần cùng kỳ năm trước, đạt 7,4 tỷ đồng.
Công ty công nghiệp cao su miền Nam (Casumina, HoSE:
CSM) ghi nhận doanh thu quý I tăng 11% nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 12,7 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần cùng kỳ. Biên lãi gộp đạt 15,4%, cải thiện so với con số 12% cùng kỳ năm trước.
Chuyên sản xuất phân bón, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, HoSE:
DPM) được cho là sẽ hưởng lợi từ giá dầu giảm sâu và hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trụ đỡ khi nền kinh tế khó khăn.
Theo BCTC quý I, Đạm Phú Mỹ đạt doanh thu thuần 1.697 tỷ đồng, tăng 8% nhờ sản lượng hàng bán phân Ure tăng đến 46% so với cùng kỳ. Ngược lại, giá khí là nguyên liệu đầu vào chính của sản phẩm Đạm Phú Mỹ, đã giảm so với cùng kỳ làm cho giá thành sản phẩm của công ty thấp hơn. Kết hợp với việc doanh thu tài chính tăng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm đã đẩy lợi nhuận sau thuế
DPM cao gần gấp đôi cùng kỳ đạt 106 tỷ đồng.
Đơn vị: tỷ đồng
Chuyên sản xuất khẩu trang, trang phục chống dịch… sản phẩm có nhu cầu cao trong thời buổi dịch bệnh bùng phát, Tổng công ty cổ phần Y tế Danameco (HNX:
DNM) cho biết đã tập trung đẩy mạnh sản xuất cũng như đầu tư thêm máy móc và mở rộng thị trường.
Quý I, công ty tăng doanh thu đến 225% lên 127 tỷ đồng và lãi sau thuế tăng 650% đạt 8,2 tỷ đồng, tương đương với mức lãi cả năm 2019.
Nhờ mạnh tay tiến hành tái cơ cấu từ niên độ tài chính trước, Tập đoàn Hoa Sen (HoSE:
HSG) công bố doanh thu quý II (niên độ 2019-2020) giảm 16,3% nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 200 tỷ đồng, gấp 3,8 lần so với cùng kỳ.
Theo báo cáo của
SSI Research, đòn bẩy nợ vay và hàng tồn kho ở mức an toàn hơn cho phép doanh nghiệp chuyển tập trung vào lợi nhuận thay vì sản lượng tiêu thụ như các năm trước.
Chuyên phát triển bất động sản khu công nghiệp tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Công ty Sonadezi Châu Đức (HoSE:
SZC) công bố BCTC hợp nhất với doanh thu gấp 2,5 lần cùng kỳ đạt 121 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế gấp gần 3 lần đạt 53,6 tỷ đồng. Doanh thu từ hoạt động cho thuê đất khu công nghiệp gấp 3,5 lần đạt 103 tỷ đồng, các nguồn thu khác thay đổi không đáng kể.
Công ty Đông Hải Bến Tre (Dohaco, HoSE:
DHC) công bố BCTC với doanh thu thuần 671 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế 89 tỷ đồng, gấp 4,3 lần. Đây là quý thứ 2 công ty tăng mạnh doanh thu và lợi nhuận kể từ khi nhà máy giấy Giao Long – giai đoạn II đi vào hoạt động chính thức (1/9/2019) giúp sản lượng sản xuất và bán ra tăng mạnh, trong khi giá giấy bán ra và giá giấy nguyên liệu mua vào ổn định.
Công ty Nhiệt điện Hải Phòng (UPCoM:
HND) ghi nhận doanh thu quý I tăng 24% so với cùng kỳ năm 2019, lên 3.024 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế gấp đôi, lên mức 200 tỷ đồng.
Theo công ty, lợi nhuận tăng mạnh nhờ sản lượng điện thực phát tăng 392,4 triệu kWh so với quý I/2019 đẩy doanh thu tăng và chi phí lãi vay giảm 24,3 tỷ đồng do dư nợ vay dài hạn giảm dần, chi phí quản lý cũng giảm gần 16 tỷ đồng khi chi phí chuẩn bị sản xuất đã phân bổ hết trong năm 2019.
Chuyển lỗ thành lãi
Đơn vị: tỷ đồng
Công ty Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PV Coating, HNX:
PVB) thiếu việc làm trong thời gian trước do giá dầu xuống thấp. Song từ quý IV/2019, nhờ ký hợp đồng dự án Đường ống dẫn khí Nam Cơn Sơn 2 điều chỉnh mà hoạt động kinh doanh cải thiện. Một phần công việc từ dự án được chuyển tiếp sang 2020 giúp quý I doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần 384 tỷ đồng, đột biến so con số 6 tỷ cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế 49 tỷ đồng, trong khi quý I/2019 lỗ 12 tỷ đồng.
Được biết, hợp đồng bọc ống cho dự án Nam Côn Sơn 2 trị giá 980 tỷ đồng. Theo kế hoạch, trong tháng 1, PV Coating bàn giao lô ống thành phẩm tuyến ống bờ và tháng 4 bàn giao lô ống thành phẩm tuyến ống biển đầu tiên. Dự kiến đến tháng 8, PV Coating sẽ hoàn thành tất cả các hạng mục của gói thầu.
Tổng công ty Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (HoSE:
PVD) cho biết trong quý các giàn khoan hoạt động liên tục và đơn giá cho thuê tăng gần 10% so với cùng kỳ. Bởi vậy, doanh nghiệp ước lợi nhuận sau thuế đạt 27 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ 93,3 tỷ đồng.
Công ty Nhiệt điện Bà Rịa (HoSE:
BTP) công bố báo cáo tài chính quý I với doanh thu 416 tỷ đồng, tăng 58% cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế 29 tỷ đồng, cải thiện so con số lỗ 138 triệu đồng quý I/2019.
Doanh nghiệp lý giải lợi nhuận tăng nhờ lãi do sản xuất điện (chưa bao gồm chi phí lãi vay) là hơn 23 tỷ đồng, trong khi quý I/2019 lỗ 927 triệu đồng và lãi chênh lệch tỷ giá 13,8 tỷ đồng, cùng kỳ chỉ lãi 7,6 tỷ đồng.