OPEC cùng các đồng minh, do Nga dẫn đầu, sẽ tổ chức họp trực tuyến trong hôm nay để ra quyết định về sản lượng dầu toàn cầu. Đây là cuộc họp mang tính thành bại đối với thị trường năng lượng.
“Họp trực tuyến là hình thức mới nhưng khó tạo ra trở ngại”, Manish Raj, giám đốc tài chính tại Velandera Energy, nói. Raj tin OPEC+ đã có sẵn nội dung thỏa thuận, nếu không cuộc họp sẽ bị hủy. Cuộc họp dự kiến bắt đầu vào 10h ET, tức 21h giờ Hà Nội.
“Cuộc họp trực tuyến đơn thuần chỉ là hình thức bởi các bên có ảnh hưởng lớn, gồm Arab Saudi và Nga, đã thảo luận trực tiếp từ trước. Arab Saudi cũng trao đổi riêng với đối tác như Kuwait, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE)”.
Theo Raj, “đường cơ sở” trong kế hoạch sẵn có của OPEC+ là giảm 8 – 10 triệu thùng/ngày trong 90 ngày. Cuộc họp khả năng cao tập trung vào “điều chỉnh mức sản lượng cần giảm và phân bổ trách nhiệm cho từng thành viên”.
Tuy nhiên, OPEC+ nổi tiếng với việc khó đi đến được quyết định chung. Cuộc họp hồi đầu tháng 3 sụp đổ sau khi Arab Saudi và Nga không thể nhất trí tăng mức giảm sản lượng, dẫn đến cuộc chiến giá, tăng bơm thêm dầu, giữa hai nước.
Arab Saudi nâng sản lượng lên 10,15 triệu thùng/ngày trong tháng 3, nhỉnh hơn một chút so với hạn ngạch 10,144 triệu thùng/ngày, theo kết quả khảo sát của S&P Global Platts. Arab Saudi, cùng với UAE và Kuwait, đóng góp cho OPEC 28,97 triệu thùng/ngày trong tháng 3, tăng 980.000 thùng/ngày so với tháng 2, cao nhất 3 tháng.
“Nếu OPEC không thể đạt một thỏa thuận ý nghĩa giúp chấm dứt cuộc chiến giá, giá dầu sẽ lao dốc về quanh 20 USD/thùng, mức chưa từng có trong 17 năm”, Lukman Otunuga, nhà phân tích cấp cao tại FXTM, nhận định. Mặt khác, “một kết quả tích cực sẽ mang đến ánh sáng cuối đường hầm cho dầu, mở ra con đường lên 40 USD/thùng”.
Giá dầu Brent và WTI đều đã giảm hơn 50% kể từ đầu năm.
Tuần trước, Tổng thống Donald Trump đăng trên Twitter cá nhân rằng ông kỳ vọng Nga và Arab Saudi sẽ giảm sản lượng 10 – 15 triệu thùng/ngày.
Ngay cả khi OPEC+ nhất trí với con số cao nhất, 15 triệu thùng/ngày “vẫn chưa đuổi kịp mức giảm trong lực cầu”, theo James Williams, kinh tế gia năng lượng tại WTRG Economics.
Trong báo cáo ngày 31/3, IHS dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong quý II sẽ giảm 16,4 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái, riêng tháng 4 giảm khoảng 20 triệu thùng/ngày, do đại dịch Covid-19 khiến “nhiều lĩnh vực lớn trong kinh tế toàn cầu phải đóng cửa”.
“Khả năng cao OPEC+ sẽ đồng ý giảm 10 triệu thùng/ngày, có thể là 15 triệu thùng/ngày”, William nói.
Raj cho rằng OPEC+ “có động lực để đạt thỏa thuận. Họ nhận thức được giá dầu sẽ ‘tắm máu’ nếu không thất bại”. Ông dự đoán Tổng thống Trump sẽ triển khai kế hoạch áp thuế nhập khẩu để bảo vệ ngành dầu Mỹ nếu OPEC+ không đạt thỏa thuận giảm sản lượng đáng kể.
Mỹ đánh thuế nhập khẩu dầu sẽ “giáng đòn mạnh vào OPEC+”, Raj nói. Ông tin sản lượng của Mỹ sẽ không giảm. “Áp hạn chế sản lượng ở Mỹ được coi là phi cạnh tranh. Do đó, khả năng này khó xảy ra”.
Trước thềm cuộc họp, một số thông tin cho thấy sản lượng tại Mỹ đã giảm do giá dầu và lực cầu đi xuống vì đại dịch Covid-19. Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) ngày 8/4 cho biết tổng sản lượng nội địa của nước này trong tuần kết thúc ngày 3/4 giảm 600.000 thùng/ngày xuống còn 12,4 triệu thùng/ngày. Tuần trước đó, sản lượng của Mỹ ở gần đỉnh 13 triệu thùng/ngày.
EIA cũng hạ dự báo sản lượng dầu thô 9,5% xuống 11,76 triệu thùng/ngày trong năm 2020, 11,03 triệu thùng/ngày trong năm 2021.
IHS ngày 8/4 cảnh báo “sự sụp đổ” trong lực cầu năng lượng đang khiến các công ty dầu trên thế giới phải giảm mạnh chi tiêu, đặc biệt là ở Bắc Mỹ. Sản lượng tại Mỹ sẽ giảm 2,9 triệu thùng/ngày vào cuối năm, so với quý I.
Lực cầu giảm còn dẫn đến nguy cơ các bể chứa trên thế giới sớm đầy. Rystad Energy ước tính tổng dự trữ thương mại tại Mỹ là 653,4 triệu thùng, nếu bao gồm cả dầu trong đường ống và đang vận chuyển, con số này là 780 triệu thùng.
“Với tốc độ hiện tại, 1/3 sức chứa còn lại tại Mỹ sẽ được lấp đầy trong tháng 4. Dầu vẫn không ngừng bơm lên và đợt giảm sản lượng mạnh nhất lịch sử Mỹ không còn xa nữa”.
Như Tâm (Theo Market Watch)
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.