“VPBank đang chuẩn bị sẵn sàng cho tăng trưởng sau dịch Covid-19. Lợi nhuận ngân hàng mẹ kỳ vọng tăng hơn 1.000 tỷ đồng trong năm 2020”, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh chia sẻ tại buổi họp với phân tích công ty chứng khoán.
CEO ngân hàng cho biết áp dụng công nghệ, số hóa, tự động hóa sẽ là ưu tiên, thúc đẩy tăng trưởng. Thu nhập ngoài lãi kỳ vọng sẽ tăng 30-40% trong cả năm 2020, nhờ chiến lược ngân hàng giao dịch. VPBank vẫn tiếp tục tăng trưởng tín dụng, đồng thời tập trung thu hồi nợ và kiểm soát nợ xấu.
Nhà băng có vốn điều lệ gần 25.300 tỷ đồng này đã thắt chặt quản lý rủi ro tín dụng trong danh mục cho vay. VPBank đã đưa ra nhiều biện pháp kiểm soát các khoản vay có rủi ro cao ở cả phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thay vào đó, ngân hàng tăng cường tập trung vào những khách hàng hiện có độ rủi ro thấp.
Trong phân khúc doanh nghiệp lớn, nhà băng này tăng cường kiểm soát tăng trưởng tín dụng toàn phân khúc và kiểm soát tín dụng với những khách hàng chịu ảnh hưởng. Tất cả những nỗ lực này giúp đạt được mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nơ xấu riêng lẻ, nợ xấu hợp nhất trong ngưỡng kiểm soát được.
Ông Nguyễn Đức Vinh cũng chia sẻ ngân hàng mẹ sẽ không tập trung tối ưu hóa tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM), thay vào đó sẽ tối ưu hóa chi phí. Việc này được thực hiện từ quý I, đóng góp vào tăng trưởng lợi nhuận 63%, đạt 2.314 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020, lãi từ tất cả các hoạt động của ngân hàng đều cao hơn cùng kỳ năm trước, riêng lãi từ mua bán chứng khoán tăng hơn 4 lần.
CEO VPBank Nguyễn Đức Vinh. Ảnh: L.H
Vị tổng giám đốc cho biết, ngân hàng đã đưa ra nhiều chỉ tiêu tham vọng trong năm 2020, tuy nhiên trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, ban lãnh đạo đã hạ kỳ vọng và chỉ ưu tiên tăng trưởng tại một số mảng cụ thể.
Dịch bệnh tác động sâu rộng và mang tính cấu trúc thị trường. Do đó, ngân hàng cũng cần nỗ lực tái cấu trúc và đánh giá lại hành vi khách hàng, đưa ra chiến lược phù hợp. Đơn cử, người dân có xu hướng giảm chi tiêu đắt đỏ, vì vậy các bộ sản phẩm của ngân hàng cần được đánh giá lại phù hợp với hành vi mới.
Ông Vinh kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ quay trở lại nhịp sống như trước dịch từ quý II. Dù vậy, ngân hàng không kỳ vọng tất cả phân khúc đều tăng trưởng. Một số mảng như doanh nghiệp siêu nhỏ, khách hàng tiểu thương sẽ hồi phục chậm hơn. Ngân hàng sẽ tìm cách bù đắp và tìm động lực tăng trưởng từ các lĩnh vực khác.
Sự chuẩn bị với các kịch bản tác động của dịch Covid-19 cho phép VPBank hoạt động liên tục và nắm bắt cơ hội tăng trưởng. Ngân hàng đã xây dựng nhiều kịch bản, tương ứng với các mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. “Dù mong đợi điều tốt nhất sẽ xảy ra nhưng luôn phải chuẩn bị kịch bản cho điều xấu nhất”, CEO VPBank cho biết và nhấn mạnh việc quản lý chi phí, quản lý kế hoạch, đảm bảo an toàn cho ngân hàng, thanh khoản là những ưu tiên hàng đầu.
Ngay trong quý I, ngân hàng đã thực hiện các quyết liệt để chuẩn bị ứng phó với dịch Covid-19, bao gồm tăng tiền gửi, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn. Danh mục tín dụng được thắt chặt, kiểm soát rủi ro ở ngưỡng, nhằm chuẩn bị nền tảng cho đà bật mạnh sau khi Covid-19 được kiểm soát.
“Dù vậy dự báo vẫn chỉ là dự báo, diễn biến thực tế sẽ phụ thuộc mật thiết vào tình hình tăng trưởng của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung”, ông Vinh chia sẻ.
Năm 2019, VPBank báo lợi nhuận hợp nhất trước thuế kỷ lục 10.334 tỷ đồng, vượt 9% kế hoạch và tăng 12% so với năm trước, ghi tên vào nhóm các nhà băng có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng. Lãi trước thuế của riêng ngân hàng mẹ đạt 5.835 tỷ đồng, chiếm gần 57% lãi hợp nhất. Riêng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi tăng 24%. Trong ba tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ chiếm tới 69% tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất.
Động lực tăng trưởng chính của ngân hàng mẹ VPBank đến từ sự đột phá của hầu hết các phân khúc khách hàng, đặc biệt là sự đột phá ở các phân khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều đó lý giải v