Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2020, Ban lãnh đạo Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM:
LTG) dự kiến trình cổ đông việc bổ sung ngành nghề kinh doanh là sản xuất điện, chi tiết sản xuất điện mặt trời.
HĐQT cho biết hiện nay công ty gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, không thuận lợi để niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE. Do đó, HĐQT trình cổ đông gia hạn thời gian dự kiến hoàn tất việc niêm yết cổ phiếu trên HoSE trong năm 2022 với điều kiện được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Năm 2020, công ty đề ra kế hoạch doanh thu thuần 7.352 tỷ đồng, giảm 15,6% so với thực hiện năm trước. Lợi nhuận sau thuế 360 tỷ đồng, tăng 7,45%.
Quý I, doanh thu của Lộc Trời giảm hơn phân nửa xuống 733 tỷ đồng, chủ yếu do doanh thu ngành thuốc bảo vệ thực vật và ngành lương thực giảm dưới tác động của dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thay đổi cơ cấu đại lý và chính sách bán hàng ngành thuốc, thay đổi trong chính sách điều hành của Chính phủ liên quan đến xuất khẩu gạo.
Cụ thể, doanh thu ngành thuốc giảm 65%, giảm mạnh nhất là nhóm thuốc bệnh và thuốc sâu. Do quý IV/2019, các đại lý đã nhập hàng theo kế hoạch bình thường không tính đến tác động dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu làm tồn kho tăng cao, công ty đã hỗ trợ để giải phóng hàng tồn thay vì theo đuổi mục tiêu doanh số. Dự kiến quý II khi lượng tồn kho giảm, các địa lý sẽ đẩy mạnh nhập hàng mới.
Mảng kinh doanh thuốc BVTV của
LTG.
Ngành lương thực ghi nhận doanh thu xuất khẩu giảm 73% và nội địa giảm 15%. Philippines là thị trường xuất khẩu gạo chính của Lộc Troiwfm, chiếm 56% doanh thu xuất khẩu. Tuy nhiên, doanh thu thị trường này cũng giảm do không thỏa thuận được giá bán với các nhà nhập khẩu, giá bán hầu hết ở mức thấp trong tương quan giá mua lúa nguyên liệu đã tăng từ đầu quý I.
Doanh thu ngành lương thực của LTG quý I.
Ngành giống của doanh nghiệp cũng giảm 8% do nhu cầu thị trường giảm. Đơn vị lý giải kim ngạch xuất khẩu nông sản giảm làm thu nhập của nông dân giảm và khả năng tài chính để đầu tư cho các vụ gieo trồng tiếp theo giảm. Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng khắc nghiệt tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng đến nhu cầu về giống theo hướng gia tăng các sản phẩm có đặc tính chịu hạn, mặn, năng suất cao.