Tại phiên họp cổ đông thường niên 2020, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank, cho biết đến hết tháng 4, ngân hàng lãi trước thuế 1.200 tỷ đồng, tương đương 30% kế hoạch năm. Dù bị ảnh hưởng bởi việc giãn cách xã hội, huy động vẫn tăng trưởng 6%.
Ông Hưng nhận định dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng theo nhiều hướng. Đơn cử việc thực hiện cơ cấu nợ, giãn nợ theo chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước khiến thời gian trả nợ của khách hàng kéo dài, TPBank cũng không được tính lãi dự thu và vẫn phải trả lãi cho nguồn vốn huy động, trích lập dự phòng.
Bên cạnh đó, theo ông Hưng, ngân hàng gần như không có thu nhập dịch vụ trong khoảng thời gian giãn cách. Sau khi nới lỏng, tình hình đang dần trở lại bình thường nhưng chưa được như trước.
Tác động của Covid-19 mạnh hơn so với dự toán ban đầu. Tháng 4 là thời gian thu nhập sụt giảm mạnh nhất. Sang tháng 5 các chỉ tiêu đang hồi phục trở lại và lạc quan hơn, tuy nhiên nhóm khách hàng vừa và nhỏ (SME) vẫn bị ảnh hưởng lớn.
Ngân hàng sẽ cố gắng kiểm soát nợ xấu dưới 2% dù chắc chắn nợ xấu sẽ tăng lên do dịch bệnh, cố gắng giữ tỷ lệ càng thấp càng tốt, giảm bớt ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng.
Năm 2020, ngân hàng đặt mục tiêu nguồn huy động tăng 7% lên 158.835 tỷ đồng, trong đó tiền gửi khách hàng tăng 15% lên 122.681 tỷ đồng. Lãi trước thuế được đặt kế hoạch tăng 5%, đạt 4.068 tỷ đồng. ROE đạt 22,31%, thấp hơn mức 26,11% của năm 2019. Dư nợ cho vay và trái phiếu tổ chức kinh tế (TCKT) tăng 15%, ở mức 117.181 tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng tăng 9% lên 105.181 tỷ đồng và đầu tư trái phiếu TCKT tăng 249%. Ngân hàng đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 2,5%.
Trước đó, theo báo cáo tài chính, hết quý I, ngân hàng lãi trước thuế 1.009 tỷ đồng, tăng 18%. Cho vay khách hàng tăng 5% lên 100.508 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng ở mức 89.686 tỷ đồng, giảm 3% so với đầu năm. Nợ xấu ở mức gần 1.884 tỷ đồng, tăng 53% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu nâng từ 1,28% lên 1,87%.