Văn phòng Chính phủ vừa thông tin, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương có giải pháp tăng cường tiêu thụ nội địa đối với mặt hàng thủy sản và kiên quyết xử lý các hành vi trục lợi, ép giá, gian lận thương mại. Đồng thời, các cơ quan đại diện thương mại ở nước ngoài của Bộ Công Thương được yêu cầu kịp thời thông tin công khai về tình hình mở cửa trở lại và nhu cầu về các sản phẩm thủy sản.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình khai thác, sản xuất thủy sản tại các địa phương và tình hình dịch Covid–19 tại các nước trên thế giới, đặc biệt là các thị trường chính, truyền thống của Việt Nam. Theo đó, Bộ Nông nghiệp kịp thời hướng dẫn, tạo điều kiện để doanh nghiệp xuất khẩu, giao kết hợp đồng mới ngay khi thị trường bên ngoài mở cửa trở lại.
Thủ tướng lưu ý trong thời gian này, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tổ chức rà soát, đánh giá hoạt động chuỗi liên kết sản xuất thủy sản để có giải pháp tăng cường đối với các khâu còn chưa đáp ứng yêu cầu như bảo quản, dự trữ…
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn được giao phối hợp cùng Bộ Lao động,Thương binh & Xã hội xem xét việc áp dụng Quyết định 15/2020 của Thủ tướng về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đối với các trường hợp chủ tàu, ngư dân đăng ký tạm dừng khai thác hoặc bị ảnh hưởng do không đi khai thác trong thời gian dịch bệnh.
Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt 2,8 tỷ USD, giảm 10,3%. Nguyên nhân là do thị trường tiêu thụ chính EU đã sụt giảm rất mạnh nhu cầu, kéo theo xuất khẩu của Việt Nam sang EU giảm 12% so với cùng kỳ, đạt 12,9 tỷ USD.
Với tình hình thị trường toàn cầu hiện nay, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP cho biết ngành thủy sản đang nỗ lực để không phải điều chỉnh giảm chỉ tiêu và sẽ cố gắng đạt được bằng mức thực hiện của năm ngoái, 8,54 tỷ USD.