Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HoSE:
DLG) công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông năm 2020. HĐQT thông qua các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận 3 năm giai đoạn 2020-2022. Ban lãnh đạo cũng cho biết nguồn thu chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực như sản xuất điện tử - linh kiện điện tử, thu phí các dự án BOT đường Quốc lộ 14, xây dựng (tổng thầu các dự án) và kinh doanh khách sạn, dự án thủy điện.
Riêng năm 2020, công ty đặt kế hoạch doanh thu 2.500 tỷ đồng, giảm 13% so với mức thực hiện năm 2019. Lợi nhuận dự kiến là 80 tỷ đồng. Trong khi, năm 2019, lợi nhuận trước thuế là 38 tỷ đồng và lỗ sau thuế hơn 7 tỷ đồng.
Kết thúc quý I, Đức Long Gia Lai đạt 327 tỷ đồng, hoàn thành 13% kế hoạch doanh thu và ghi nhận mức lỗ sau thuế 47 tỷ đồng.
Về cơ sở hạ tầng, Đức Long Gia Lai sẽ đề xuất các tỉnh, Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ để tham gia nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14 theo quy định đã được Chính phủ phê duyệt. Công ty tiếp tục đầu tư, xây dựng, nâng cấp mở rộng các tuyến đường vùng Đông Nam Bộ theo hình thức BOT. Tập đoàn cũng tiến hành hoàn thiện thủ tục pháp lý để hợp tác đầu tư xây dựng khu công nghiệp công nghệ cao, điện khí quy mô 850 ha thuộc Khu công nghiệp Long Sơn, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Đối với ngành sản xuất điện tử và linh kiện điện tử, công ty tiếp tục đầu tư chuyên sâu các công ty tại Hong Kong, Hàn Quốc, Trung Quốc và mở rộng quy mô, xây dựng các nhà máy sản xuất tại Đà Nẵng và Bình Dương. Hiện công ty đã đưa vào vận hành nhà máy sản xuất Đức Long Gia Lai – Hanbit tại Khu công nghệ cao quận 9, TP HCM với các đơn đặt hàng cung cấp cho thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Trong thời gian tới, nhà máy sẽ được đầu tư thêm các dây chuyền sản xuất tivi mang thương hiệu Hàn Quốc, phục vụ xuất khẩu ra thị trường tiềm năng này và tiêu thụ nội địa.
Về mảng năng lượng, trong 5 năm tới, Tập đoàn tập trung đẩy mạnh vào các dự án năng lượng tái tạo như thủy điện, điện gió và điện mặt trời. Cụ thể, tổng công suất các dự án thủy điện dự kiến 250 MW, điện gió 1.500 MW, điện mặt trời khoảng 2.500 MW. Trong đó, 900 MW được xây dựng trên lòng hồ và vùng bán ngập. Hiện Đức Long Gia Lai đã được các tỉnh Tây Nguyên chấp thuận chủ trương đầu tư, đưa vào quy hoạch 50 MW tại tỉnh Gia Lai và chờ Bộ Công Thương trình Chính phủ đưa vào quy hoạch các dự án còn lại.
Lĩnh vực bất động sản với mục tiêu xây dựng các dự án nhà ở, khu đô thị, resort, khách sản nghỉ dưỡng cao cấp. Ngoài các dự án nhà ở cao tầng, căn hộ tại TP HCM, công ty sẽ mở rộng quy mô đầu tư nhà ở và khu đô thị tại các quận, huyện TP HCM và các vùng lân cận.
Bên cạnh các dự án bất động sản nghỉ dưỡng đã đầu tư tại Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai và các dự án chuẩn bị khởi công tại Bà Rịa – Vũng Tàu, công ty tập trung hoàn thiện thủ tục pháp lý để đầu tư tại Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận và Phú Quốc.
HĐQT cũng có những kế hoạch cho các ngành xây dựng dân dụng, cầu đường, công nghiệp, nông nghiệp và các lĩnh vực, ngành nghề truyền thống bao gồm chế biến sản phẩm đồ gỗ, bến xe bãi đỗ.
Ban điều hành trong báo cáo đặt mục tiêu hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án đã được bổ sung quy hoạch và được cơ quan chức năng chấp thuận chủ trương đầu tư như các dự án nhà máy điện gió Ia Bòong – Chu Prông, Ia Pếch – Chư Pứh; các dự án thủy điện, điện mặt trời, điện mặt trời, điện gió khác tại Bình Thuận, Ninh Thuận và Gia Lai... Dự án đường Tam Tân và nút xoay An Hạ TP HCM cũng như các dự án bất động sản, nghỉ dưỡng ở các tỉnh miền Trung và Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngoài ra, Tập đoàn cũng tìm kiếm cơ hội đầu tư tại địa bàn các tỉnh, thành phố để phục vụ cho mục tiêu, định hướng chiến lược đề ra.
Ban điều hành sẽ đẩy mạnh tiến độ thi công và hoàn thành đầu tư các dự án thủy điện Tân Thượng, dự án Khách sạn Đức Long 1 tại Gia Lai, các dự án Bất động sản tại TP HCM; thực hiện kế hoạch tái cấu trúc tài chính, thoái vốn các dự án kém hiệu quả và tập trung nguồn vốn thực hiện các dự án tiềm năng.