“Báo cáo của HĐQT là ngân hàng lãi hơn 3.000 tỷ đồng, đó là HĐQT giờ làm tốt hơn mấy ông trước đây. Cổ đông chúng tôi ghi nhận. Năm nay ngân hàng vẫn không chia cổ tức, nhưng phải từng bước năm nay không chia thì năm sau cần chia, 3-5% thôi cũng được. Tôi đầu tư ACB được chia 30%, mà cầm cổ phiếu STB 10 năm rồi. Thôi thì chúng ta cùng cố gắng, tăng từ từ lên, chứ khất hoài thì cổ đông đầu tư vào ngân hàng kiếm ít tiền, cũng buồn”, một cổ đông lâu năm của Sacombank, đứng lên phát biểu trong phiên họp đại hội cổ đông ngân hàng này diễn ra đầu tháng 6.
Như thường lệ, năm nay, vấn đề cổ tức vẫn làm “nóng” đại hội cổ đông của Sacombank. Nhiều cổ đông nêu vấn đề tại sao năm nào ngân hàng cũng báo lãi vài nghìn tỷ đồng nhưng không chia cổ tức. “Nhiều năm rồi, đồng tiền mất giá, trước 15.000 đồng mua được bát phở rồi, giờ 40.000-50.000 đồng mới được. Bao năm nay cổ đông không được chia một đồng nào, đề nghị ngân hàng phải tôn trọng cổ đông, cần phải có ý kiến với Ngân hàng Nhà nước ứng cho cổ đông bao nhiêu % để chúng tôi có niềm tin hơn với ngân hàng”, “Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu lại, Sacombank là ngân hàng cổ phần, lời ăn lỗ chịu chứ sao giờ làm ăn có lãi lại khhoong cho chia cổ tức, lẽ ra Ngân hàng Nhà nước chỉ giữ vai trò giám sát thôi”, là những ý kiến của cổ đông ngân hàng do ông Dương Công Minh làm Chủ tịch HĐQT.
Nhiều ngân hàng cũng nhiều năm không chia cổ tức. Techcombank đã 9 năm không chia. Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank, từng nhiều lần giải thích với cổ đông ngân hàng giữ lại lợi nhuận để củng cố vốn chủ sở hữu, đảm bảo các yêu cầu về vốn của NHNN như Basel II và tăng cạnh tranh trên thị trường. Đến cuối 2019, lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng là hơn 21.131 tỷ đồng.
2 năm gần đây VPBank không chia cổ tức. Phó Chủ tịch HĐQT Bùi Hải Quân chia sẻ tại đại hội là ngân hàng chủ trương giữ lại lợi nhuận để nâng cao năng lực tài chính, phát triển kinh doanh. Lĩnh vực này cần liên tục tăng trưởng, quy mô vốn cần phải sẵn sàng để đáp ứng nhu cầu mở rộng, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn và các chỉ tiêu khác. “Dù thông cảm với cổ đông, ngân hàng không thể chia cổ tức đều mỗi năm bằng tiền”, ông Quân nói.
MSB, Sacombank, SCB, VPBank, Techcombank, ABBank đã được thông qua phương án giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm trước, không chia cổ tức. Trong phiên họp thường niên 2020, cổ đông các ngân hàng này yêu cầu lãnh đạo lý giải nguyên nhân không chia cổ tức, dù lợi nhuận nghìn tỷ. Điều này được lặp lại trong nhiều năm.
Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của các ngân hàng. Đơn vị: tỷ đồng.
ABBank năm nay cũng không chia cổ tức nhằm tích lũy vốn, cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR). Lợi nhuận chưa phân phối sẽ được sử dụng để phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ trong những năm tới, tạo lợi thế khi niêm yết.
Một số ngân hàng khác không chia cổ tức do ở tình thế bắt buộc trong giai đoạn tái cơ cấu, xử lý nợ VAMC. Theo quy định của NHNN, những nhà băng vẫn còn trái phiếu đặc biệt VAMC không được chia cổ tức. Điều này được lãnh đạo nhiều ngân hàng đề cập khi cổ đông chất vấn.
Tại SCB, 8 năm qua, ngân hàng không chia cổ tức. Tổng giám đốc Võ Tấn Hoàng Văn cho biết NHNN chưa cho phép SCB thực hiện do đang trong quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của SCB tới cuối 2019 hơn 713 tỷ đồng.
Tại MSB, Tổng giám đốc Nguyễn Hoàng Linh hứa chia cổ tức vào năm tới với tỷ lệ 10%, sau khi ngân hàng xử lý tất cả trái phiếu VAMC vào tháng 7-8 năm nay.
Một số ngân hàng vẫn chia cổ tức cho cổ đông, tuy nhiên dưới hình thức phát hành cổ phiếu. Cuối tháng 3, NHNN chỉ đạo trước mắt các ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới.
ACB là ngân hàng thực hiện theo chỉ đạo này. Tổng giám đốc Đỗ Minh Toàn cho biết tỷ lệ cổ tức 2019 dự kiến ban đầu là 30% gồm 10% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu. Sau khi chỉ đạo của NHNN, ngân hàng đã thay đổi toàn bộ phương thức chia thành cổ phiếu.
Vietcombank, luôn duy trì chia cổ tức bằng tiền từ khi lên sàn, năm nay cũng dự kiến đổi thành cổ phiếu. Ngân hàng sẽ trình chia cổ tức 2018 bằng cổ phiếu tỷ lệ 18%, tương đương phát hành 667,6 triệu cổ phiếu, trong quý III hoặc IV.
MB năm nay cũng sẽ trả cổ tức 2019 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 15%. Các năm trước, ngân hàng này đều chia một phần hoặc toàn bộ bằng tiền.
Một số ngân hàng khác tiếp tục chia cổ tức bằng cổ phiếu như các năm trước gồm HDBank trả cổ tức tỷ lệ 50%, TPBank chia 20%, SHB, LienVietPostBank trả tỷ lệ 10%.