Cổ phiếu
AFX của Công ty Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (Afiex, UPCoM:
AFX) đã tăng trần 5 phiên liên tiếp, giá từ 6.000 đồng/cp tăng lên 11.500 đồng/cp, tức tăng 91,7% sau một thời gian dài giao dịch quanh vùng giá 4.000 – 6.000 đồng/cp.
Nguồn: VNDirect
Hỗ trợ cho đà tăng của cổ phiếu
AFX đến từ thông tin Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đăng ký bán trọn lô 17,85 triệu, tương đương 51% vốn doanh nghiệp với giá khởi điểm 18.900 đồng/cp, cao hơn nhiều so với thị giá.
Mảng kinh doanh chính của Afiex kinh doanh gạo và chế biến thức ăn chăn nuôi thủy sản. Bên cạnh đó, doanh nghiệp mở rộng thêm nuôi lợn, thủy sản và dịch vụ giao nhận hàng hóa. Quy mô vốn điều lệ công ty đạt 350 tỷ đồng, 3 cổ đông lớn gồm SCIC nắm 51% vốn, Tổng công ty Lương thực miền Nam nắm 20,52% và Công ty Xổ số Kiến thiết An Giang sở hữu 8,63% vốn.
Gần đây, SCIC cũng vừa thoái vốn thành công doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi heo, sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản là Công ty Chăn nuôi Tiền Giang. Tổng công ty đăng ký bán trọn lô gần 5 triệu cổ phiếu, chiếm 97,42% vốn Chăn nuôi Tiền Giang với giá khởi điểm 10.000 đồng/cp. Kết quả, một nhà đầu tư đã bỏ ra 102 tỷ đồng để mua, tương đương giá trúng 20.600 đồng/cp, gấp đôi giá khởi điểm.
Tái cơ cấu, lành mạnh hóa sức khỏe tài chính
Afiex được thành lập vào năm 1990 theo quyết định của UBNN tỉnh An Giang. Doanh nghiệp được điều chuyển về SCIC từ cuối năm 2015 để được tái cơ cấu do lỗ 3 năm liên tiếp, lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2015 là 16,2 tỷ đồng.
Sau 4 năm tái cơ cấu, bộ máy công ty đã tinh gọn đáng kể từ 532 nhân sự đầu năm 2016 xuống 285 người vào cuối năm 2019. Đồng thời, doanh nghiệp thực hiện thanh lý các tài sản không hiệu quả, cơ cấu khoản nợ vay, đầu tư tài chính, tăng thu hồi công nợ…
Theo đó, doanh nghiệp đã bán toàn bộ chi nhánh xí nghiệp Đông lạnh thủy sản Afiex, 1 trạm chế biến lương thực của chi nhánh xuất khẩu lương thực, xe ôtô không cần dùng… thu về 46,2 tỷ đồng. Đặc biệt, việc bán nhà máy đông lạnh với giá 45,1 tỷ đồng vừa thu hồi vốn, vừa giảm lỗ hàng năm và giảm bộ máy lao động cho công ty. Hoạt động thanh lý tài sản lớn tiến hành trong 2 năm 2016-2017, đến năm 2018 dừng lại do có quyết định của SCIC về thực hiện thoái vốn nhà nước.
Ngoài ra, đối với khu dân cư trung tâm thương mại Nam Châu Đốc, công ty phân lô và bán 190 nền nhà trong 4 năm, lợi nhuận ròng mang lại 16,2 tỷ đồng. Đối với khu dân cư mới mở rộng, công ty tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư để chuyển nhượng hoặc liên kết hợp tác đầu tư, trong đó phương án chuyển nhượng được ưu tiên.
Ngược lại, doanh nghiệp đầu tư mở rộng hoạt động cho chi nhánh xí nghiệp thức ăn chăn nuôi thủy sản, đầu tư hệ thống xử lý nước thải cho hoạt động chế biến lâm súc sản, đầu tư hệ thống chăn nuôi heo, cá tra theo tiêu chuẩn VietGap tại trại chăn nuôi Vĩnh Khánh. Mục tiêu của doanh nghiệp là xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ Farm – Feed – Food, tạo nên thương hiệu sản phẩm giá trị gia tăng.
Về mặt tài chính, sau hơn 4 năm tái cơ cấu, sức khỏe tài chính của doanh nghiệp chăn nuôi đã trở nên an toàn khi nợ phải trả tính đến cuối quý II là 29 tỷ đồng với chủ yếu phải trả người bán ngắn hạn, trong khi vốn chủ sở hữu ở mức 370 tỷ đồng. Doanh nghiệp đã giảm nợ vay ngắn hạn từ 339 tỷ đồng thời điểm cuối năm 2015 xuống 300 triệu đồng và không vay nợ dài hạn.
Tổng tài sản
AFX tại 30/6 đạt 399,6 tỷ đồng, giảm 45% so với cuối năm 2015 phân bổ chủ yếu ở hàng tồn kho, chiếm tỷ lệ 36,5%. Công ty có tài sản cố định nguyên giá 281 tỷ đồng đã khấu hao 233 tỷ đồng.
Đơn vị: tỷ đồng
Lợi nhuận hồi phục sau năm 2019 xuống dốc do dịch tả heo châu Phi
Việc tái cơ cấu, thanh lý tài sản đã giúp công ty có lãi trong 2016-2017 với 23 tỷ đồng, xóa được lỗ lũy kế và có thể chia cổ tức tỷ lệ 3,5%. Sang năm 2018, do dừng thanh lý tài sản, hoạt động kinh doanh chính suy giảm khiến lãi ròng chỉ đạt 6 tỷ đồng, giảm 74% so với năm 2017. Dù vậy, năm này Afiex vẫn chia cổ tức tỷ lệ 1,5%.
Tình hình không khá hơn trong năm 2019 khi lĩnh vực kinh doanh lương thực tiếp tục gặp khó khăn do các nước nhập khẩu thay đổi chính sách kinh doanh lúa gạo. Thêm vào đó, dịch tả heo châu Phi khiến doanh nghiệp phải tiêu hủy số lượng lớn tạo nên khoản lỗ hơn 9,7 tỷ đồng; nuôi cá tra cũng không khởi sắc do giá bán thấp, lượng cá quá lứa ngày càng tăng. Bởi vậy, năm này doanh nghiệp chỉ lãi vỏn vẹn 122,5 triệu đồng, không chia cổ tức.
Năm nay, doanh nghiệp lên kế hoạch tổng doanh thu thuần 924,8 tỷ đồng, tăng 19% so với năm trước. Trong đó, thức ăn gia súc (cho heo, bò) đóng góp lớn nhất 461 tỷ đồng; kinh doanh gạo, tấm, phụ phẩm đạt 251 tỷ đồng; bán lẻ, dịch vụ, tổng hợp khác 31,9 tỷ đồng; chăn nuôi 6,6 tỷ đồng và thủy sản 38,4 tỷ đồng. Lãi sau thuế 9,3 tỷ đồng.
Đơn vị: tỷ đồng
Nửa đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan và vượt 40% kế hoạch lợi nhuận năm. Cụ thể, doanh thu tăng 3% lên 434,6 tỷ đồng; lãi ròng 11,9 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ năm trước. Biên lãi gộp cải thiện nhẹ từ 5,9% lên 6,2%, chi phí tài chính giảm 41% (chủ yếu giảm chi phí lãi vay) và chi phí bán hàng giảm 27% đã đẩy lợi nhuận tăng cao.
Doanh nghiệp cho biết việc mua dự trữ nguyên liệu với giá tốt trong nửa đầu năm đã góp phần làm giảm giá thành sản phẩm đưa kết quả kinh doanh cung hiệu quả hơn so với cùng kỳ năm trước.