-
7 tháng, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 1,9 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái - kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh Covid-19 vẫn còn tiếp diễn ở các thị trường chính.
-
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam từ các thị trường lớn không bị sụt giảm, trong đó tôm sang Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất.
-
Với những tín hiệu khả quan trọng trong 7 tháng qua, xuất khẩu tôm Việt Nam dự kiến vẫn tiếp tục tăng trưởng trong các tháng tới.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 7, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 388,5 triệu USD. Tính chung 7 tháng, xuất khẩu tôm đạt 1,9 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái. VASEP đánh giá kết quả này đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn tiếp diễn ở các thị trường chính.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam từ các thị trường lớn không bị sụt giảm. Việc kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ Việt Nam được đánh giá hiệu quả hơn so với các nước trong khi nhiều đối thủ cạnh tranh với Việt Nam vẫn phải vật lộn với dịch bệnh nên khách hàng những nước này chuyển sang nhập khẩu tôm của Việt Nam.
Nguồn: VASEP
Cụ thể, xuất khẩu tôm Việt Nam thị trường lớn nhất là Mỹ trong tháng 7 vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tích cực 45,3% so với tháng 7/2019. 7 tháng, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 435,2 triệu USD, tăng gần 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù dịch Covid-19, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ vẫn tăng trưởng dương từ đầu năm, dự báo vẫn tăng trưởng tốt trong những tháng tiếp theo.
Tại thị trường Mỹ, từ đầu năm tới nay, tôm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn so với các nguồn cung đối thủ nhờ ổn định lại sản xuất nhanh hơn sau Covid-19. Các nguồn cung như Ấn Độ và Ecuador vẫn còn đang phải chịu tác động nặng nề từ dịch bệnh. Các nhà chế biến và xuất khẩu tôm của Ấn Độ, Ecuador không chỉ chịu tác động bởi đơn hàng giảm mà ngay cả hoạt động sản xuất trong nước bị đình trệ. Tôm Ấn Độ sang Mỹ trong tháng 5 và 6 đều giảm mạnh do hoạt động sản xuất bị xáo trộn bởi dịch bệnh, chuỗi nguồn cung bị ảnh hưởng và hoạt động vận chuyển hàng hóa cũng bị ách tắc.
Dù vậy, xuất khẩu sang Nhật Bản, thị trường lớn thứ hai, trong 7 tháng lại không ổn định. Trong tháng 7, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản đạt 51,5 triệu USD, giảm 7,8% so với tháng cùng kỳ. 7 tháng, kim ngạch đạt 329,7 triệu USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
2020 được đánh giá là năm thứ 2 kinh tế Nhật Bản tăng trưởng thấp. Khả năng Nhật Bản sẽ không tăng nhu cầu tiêu thụ thủy sản trong đó có tôm trong năm nay. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản trong năm nay dự kiến giảm khoảng 2% so với năm 2019.
Xuất khẩu sang Trung Quốc trong tháng 7 vẫn tăng trưởng dương tuy nhiên tốc độ đã giảm so với tháng trước đó. Trong khi đó, kim ngạch sang các thị trường Hàn Quốc, Anh, Canada, Australia đồng loạt tăng trưởng hai con số trong tháng 7 năm nay.
Còn tại EU, xuất khẩu tôm Việt Nam có xu hướng tăng khi đạt 54,2 triệu USD, tăng 2% trong tháng 7. Tuy nhiên, tính chung 7 tháng, tôm Việt sang EU lại giảm 5,4% so với cùng kỳ, đạt 254,9 triệu USD do liên tục tăng trưởng âm từ tháng 3 đến tháng 6. Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1/8 sẽ là đòn bẩy để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU trong những tháng cuối năm nếu các doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu tốt và tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế quan.
Theo VASEP, với những tín hiệu khả quan trọng trong 7 tháng qua, xuất khẩu tôm Việt Nam dự kiến vẫn tiếp tục tăng trưởng trong các tháng tới. Cả năm 2020, dự kiến xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 3,6 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2019.