Các thị trường đều đang hướng sự chú ý vào tuyên bố cuối cùng được đưa ra sau cuộc họp chính sách và cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell để xem những phản ứng từ giới hoạch định chính sách Mỹ.
Chỉ một tuần sau chính phủ của tân Tổng thống Joe Biden tiếp quản, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tổ chức cuộc họp chính sách đầu tiên trong năm 2021 trong hai ngày 26-27/1, với trọng tâm là quỹ đạo phục hồi của kinh tế Mỹ.
Trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới phải hứng chịu đợt bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tồi tệ nhất thế giới, với số người thiệt mạng vượt mốc 420.000 người, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) của Fed đã cam kết giữ lãi suất ở mức gần 0 trong một thời gian dài.
Các thị trường đều đang hướng sự chú ý vào tuyên bố cuối cùng được đưa ra sau cuộc họp hai ngày 26-27/1 và cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell vào thứ 27/1 (theo giờ địa phương) để xem liệu các nhà hoạch định chính sách có lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Mỹ hay không.
Mặc dù việc triển khai tiêm chủng COVID-19 đã làm dấy lên hy vọng về sự phục hồi vững chắc, song những trở ngại trong việc phân phối vắcxin và một làn sóng lây nhiễm mới có thể tác động đến sự lạc quan của các doanh nghiệp và người tiêu dùng, ngay cả khi thị trường chứng khoán đạt được những kỷ lục liên tiếp.
Nhà kinh tế Diane Swonk của Grant Thornton nhận định, Fed đã kiên định với quan điểm rằng diễn biến của dịch bệnh sẽ quyết định hướng đi của nền kinh tế. Dựa trên đề xuất về một gói cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD của tân Tổng thống Biden, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính gói cứu trợ này sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thêm 5% trong 3 năm.
Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nhiều lần nhấn mạnh đến sự cần thiết phải chi tiêu của chính phủ để đảm nhận vai trò hỗ trợ nền kinh tế từ Fed. Trong khi đó, cựu Chủ tịch Fed và hiện là tân Bộ trưởng Tài chính Mỹ, bà Janet Yellen đã liên tục nỗ lực hối thúc Quốc hội thông qua gói cứu trợ trên./.