Nợ ngắn hạn tại cuối quý II vượt quá tài sản ngắn hạn 34.664 tỷ đồng. Khoản phải trả quá hạn là 14.805 tỷ. Vietnam Airlines lỗ 6 quý liên tiếp, dẫn đến vốn chủ sở hữu âm 2.785 tỷ đồng. Theo đó, đơn vị kiểm toán đã đưa ra ý kiến nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục của hãng hàng không.
Vietnam Airlines (HoSE:
HVN) vừa công bố BCTC hợp nhất soát xét bán niên. Trước đó vào cuối tháng 7, hãng hàng không đã xin gia hạn với lý do quá trình lập cũng như soát xét báo cáo gặp khó khăn trước tình hình dịch bệnh phức tạp.
Trong báo cáo, đơn vị kiểm toán đã đưa ra ý kiến nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines. Cụ thể, tổng công ty lỗ 8.622 tỷ đồng và dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 724 tỷ đồng sau nửa đầu năm. Nợ ngắn hạn tại cuối quý II vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 34.664 tỷ đồng. Khoản phải trả quá hạn là 14.805 tỷ và vốn chủ sở hữu âm 2.785 tỷ đồng.
Theo kiểm toán, dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines. Đơn vị kiểm toán nhận định khả năng hoạt động liên tục của tổng công ty sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính từ phía Chính phủ và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê cũng như diễn biến của dịch Covid-19.
Đơn vị: tỷ đồng
Về kết quả hoạt động nửa đầu năm, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ âm 4.458 tỷ đồng sau soát xét, giảm 37 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Với 6 quý lỗ liên tiếp, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối quý II lên đến âm 17.808 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ và âm vốn chủ sở hữu.
Theo quy định của Luật Chứng khoán, nếu doanh nghiệp có tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc.
Do đó, cổ phiếu
HVN của Vietnam Airlines có thể đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc trên sàn HoSE. Cổ phiếu này cũng đã bị HoSE đưa vào diện cảnh báo từ ngày 15/4 do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2020 là âm 10.927 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2020 là âm 9.327 tỷ đồng.
Cuối tháng 9, tổng công ty đã kiến nghị Chính phủ cho phép xem xét doanh nghiệp này là trường hợp đặc biệt được duy trì niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE trong giai đoạn ngắn có thể bị âm vốn chủ sở hữu.
Để giải quyết khó khăn trong hoạt động kinh doanh, hãng hàng không triển khai nhiều giải pháp tự thân đến từ kế hoạch đàm phán với các nhà cung ứng, các đối tác cho thuê tàu bay, sửa chữa bảo dưỡng… Chi phí cắt giảm mục tiêu đạt trên 10.000 - 10.800 tỷ đồng trong năm nay.
Vietnam Airlines cũng được Chính phủ cho phép điều chỉnh chính sách khấu hao, phân bổ chi phí sửa chữa bảo dưỡng phù hợp với công suất sử dụng tài sản; giảm thuế bảo vệ môi trường, phí cất cánh, điều hành bay, phí bảo lãnh chính phủ.
Hãng hàng không cũng ký hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng gồm SeABank, MSB và SHB với tổng số tiền cho vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, Vietnam Airlines đã huy động hơn 7.961 tỷ đồng qua đợt chào bán 800 triệu cổ phiếu
HVN cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu từ ngày 5/8 đến 14/9.
Do đó, hãng hàng không quốc gia đã được bổ sung đáng kể nguồn vốn và dòng tiền, các chỉ số tài chính được cải thiện nhằm đáp ứng các điều kiện niêm yết trên sàn HoSE.