• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.250,46 +8,35/+0,67%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.250,46   +8,35/+0,67%  |   HNX-INDEX   224,64   +1,07/+0,48%  |   UPCOM-INDEX   92,74   +0,39/+0,43%  |   VN30   1.311,26   +9,74/+0,75%  |   HNX30   479,79   +4,19/+0,88%
30 Tháng Mười Một 2024 12:44:34 SA - Mở cửa
VPB: Góc nhìn - VPB - Sự trở lại của cổ phiếu dẫn đầu
Nguồn tin: BizLIVE | 29/10/2021 10:58:03 SA
Sự trở lại của VPB là tất yếu với những điểm tựa vững chắc từ nền tảng cơ bản mạnh mẽ và tiềm năng to lớn từ sự hỗ trợ của cổ đông chiến lược ở cả ngân hàng mẹ và FE Credit. 

Những diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán (TTCK) thời gian gần đây đã cho thấy dấu hiệu tích cực về sự phục hồi của nền kinh tế và theo đó ngành ngân hàng sẽ tiếp tục nhận được nhiều sự chú ý và thu hút dòng tiền với vai trò dẫn dắt thị trường.
 
Bất chấp những khó khăn của ngành ngân hàng nói chung trong ngắn hạn, những cổ phiếu với giá trị nội tại vững vàng cùng với tiềm năng tăng trưởng điển hình như VPB của VPBank sẽ có cơ hội bứt phá trong quý cuối năm, khi nhiều chuyên gia cho rằng đây sẽ quý thúc đẩy tăng trưởng mạnh nhất nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 kéo theo nhu cầu tín dụng tăng cao sang năm 2022.
Để đảm bảo tính đầy đủ và nhất quán trong phân tích, chúng tôi xem xét VPB dưới cả hai góc nhìn: Phân tích cơ bản (Fundamental Analysis) và phân tích kỹ thuật (Technical Analysis) để có cái nhìn tổng thể về cả giá trị nội tại cũng như xem xét xu hướng tương lai của giá cổ phiếu dựa trên diễn biến giá và khối lượng giao dịch trong quá khứ của cổ phiếu VPB qua đó tạo cơ sở để khẳng định sự trở lại của cổ phiếu VPB.  
 
Dưới góc nhìn phân tích cơ bản, chúng tôi đi từ các yếu tố vĩ mô nhằm xác định tình hình của nền kinh tế và xem xét những thuận lợi và khó khăn đối với ngành ngân hàng nói chung, sau đó tiến hành phân tích các yếu tố nội tại của doanh nghiệp trong tương quan với toàn ngành.
 
Xét về các yếu tố vĩ mô, nền kinh tế Việt Nam đã hứng chịu tác động không tích cực từ làn sóng Covid lần thứ 4 được thể hiện qua thống kê tăng trưởng GDP âm trong quý 3/2021. Với việc mở cửa theo lộ trình từ đầu tháng 10/2021, nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng bùng nổ trở lại trong quý 4/2021 khi nhu cầu tiêu dùng và hoạt động sản xuất đều được dự báo sẽ gia tăng mạnh mẽ kéo theo tăng trưởng nhu cầu tín dụng, trong đó đáng chú ý nhất là nhu cầu tín dụng cho mảng bán lẻ, tập trung vào phân khúc khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).
 
 
Ảnh minh họa.
 
VPBank với vai trò là một trong những ngân hàng hàng đầu đồng thời là ngân hàng tiên phong trong mảng bán lẻ được kỳ vọng là một trong những ngân hàng được hưởng lợi nhiều nhất từ sự phục hồi này và theo đó trở thành cơ hội đầu tư hấp dẫn trong ngành ngân hàng với một số thế mạnh cốt lõi.
 
Thứ nhất, chiến lược khác biệt và linh hoạt: VPBank tập trung vào phân khúc bán lẻ ngay từ đầu với mũi nhọn cho vay tiêu dùng và đã đạt vị thế độc tôn trong nhóm ngành này với thị phần tín dụng tiêu dùng là 55%, bỏ xa đối thủ thứ hai.
 
Với chiến lược tập trung vào mảng cho vay bán lẻ có suất sinh lợi cao nên biên lãi thuần (NIM) của VPBank luôn dẫn đầu ngành trong những năm gần đây.
 
Trong bối cảnh dịch COVID-19 trong quý 3/2021, ban lãnh đạo ngân hàng đã chủ động và linh hoạt trong hoạt động kinh doanh nhằm ứng phó và hỗ trợ khách hàng như giảm lãi suất, giãn nợ. Mặt khác, ngân hàng đã đẩy mạnh công tác thu hồi nợ thông qua công cụ số hóa đã đẩy mạnh thu nhập từ nợ đã xử lý rủi ro. Dù quy mô thuộc nhóm ngân hàng lớn trong khối tư nhân nhưng VPB vẫn giữ tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân 5 năm gần nhất là hơn 20% vượt trên trung bình ngành.  
 
Tỷ lệ cho vay tín chấp trong năm 2021 đã giảm xuống nhằm kiểm soát tốt hơn chất lượng tín dụng trong thời gian dịch, song song đó nhằm tăng cường kiểm soát chất lượng tài sản VPBank đã tăng cường cho vay phân khúc khách hàng doanh nghiệp và hỗ trợ để doanh nghiệp có thể phục hồi trở lại.
 
Thứ hai, đầu tư phát triển công nghệ, đa dạng hóa và tiếp tục đẩy mạnh các dịch vụ thanh toán: Với việc số hóa hành trình trải nghiệm khách hàng, ban lãnh đạo VPBank đã thể hiện sự nhạy bén với hàng loạt các sản phẩm tập trung vào phân khúc chủ lực nhằm gia tăng tệp khách hàng đã khổng lồ của VPB (hơn 20 triệu khách hàng).
 
VPBank đã liên tục cải thiện nền tảng ngân hàng số hóa nhằm cung cấp mọi dịch vụ tài chính cho khách hàng cá nhân. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng cung cấp các chuỗi dịch vụ về cho vay như Race App, Race Home, Race Value và hàng loạt các giải pháp thanh toán tiên phong dành cho doanh nghiệp SME.
 
Bên cạnh đó, với việc đẩy mạnh hợp tác với các công ty chứng khoán, CASA của VPB đạt gần 19% trong quý 2/2021 liên tục cải thiện hơn so với con số 15,5% trong năm 2020. Những sản phẩm sáng tạo này hứa hẹn tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai của VPBank.
 
Thứ ba, kiểm soát chi phí nhờ vào chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng: Trong chiến lược số hóa của mình, VPBank tập trung vào 3 gọng kìm chính: (1) số hóa ngân hàng hiện tại; (2) xây dựng nền tảng số phục vụ khách hàng chuyên biệt; (3) mở rộng hệ sinh thái nhằm mở rộng số lượng khách hàng và gia tăng giá trị cho người sử dụng.
 
Trong giai đoạn 2016-2020, CIR (tỷ lệ chi phí/thu nhập) của VPB liên tục được kiểm soát chặt chẽ từ mức gần 40% trong năm 2016 giảm chỉ còn hơn 29% trong năm 2020 và nằm trong top 2 ngân hàng có CIR thấp nhất ngành, thấp hơn rất nhiều so với con số trung bình ngành là gần 49%. Với việc chuyển đổi số cũng như chuyên môn toàn diện, CIR được kỳ vọng sẽ giữ vững được ở mức 23,5%-25,5% trong thời gian tới.
 
Thứ tư, tỷ suất sinh lợi cao: dù VPB vẫn giữ vững đà tăng trưởng của vốn chủ sở hữu trong thời gian 10 năm vừa qua nhưng với tốc độ gia tăng mạnh mẽ từ lợi nhuận sau thuế đã giúp VPB trở thành một trong những ngân hàng có tỷ suất sinh lợi trên vốn (ROE) cao nhất thị trường. Trong giai đoạn 2016 – 2020, ROE trung bình của VPB là 24% cao nhất toàn ngành và cao hơn rất nhiều so với trung bình ngành ở mức 14%. 6 tháng đầu năm 2021, VPBank đã cho thấy hiệu quả vượt trội khi ghi nhận ROE đạt 25,7%, ROA đạt 3,3% thuộc nhóm dẫn đầu thị trường.
 
Thứ năm, chiến lược gia tăng nguồn vốn nhằm tạo đà nâng tầm vị thế chiến lược, tạo giá trị cho cổ đông: Việc có được mức tăng trưởng cao kèm với khả năng sinh lợi ấn tượng đã giúp VPB nhanh chóng gia tăng quy mô vốn chủ sở hữu, chỉ tiêu đóng vai trò chủ đạo trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng – chỉ tiêu không chỉ là nền tảng đánh giá về độ an toàn vốn mà còn là cơ sở cho tăng trưởng hạn mức hoạt động với các ngân hàng.
 
Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) theo TT41 của ngân hàng hợp nhất đạt trên 12%, tiếp tục duy trì ở mức an toàn, tạo nền tảng vững chắc cho chiến lược tăng trưởng bền vững của ngân hàng.
 
Với việc hoàn thành thương vụ chuyển nhượng 49% vốn điều lệ FE Credit cho Sumitomo (SMFG), CAR dự kiến sẽ đạt mức ấn tượng 17%. Đồng thời VPBank dự kiến phát hành thêm 15% cho cổ đông chiến lược cuối năm 2021 - đầu năm 2022, khi đó giá trị vốn chủ sở hữu của VPB dự kiến sẽ đạt mức 120 nghìn tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất ngành và thuộc top ngân hàng có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường theo đúng kế hoạch của Ban lãnh đạo ngân hàng.  
 
 
Từ góc nhìn phân tích kỹ thuật chúng ta có thể thấy sau quá trình tăng giá kéo dài (giá tăng, khối lượng tăng thể hiện xu thế rất mạnh), cổ phiếu VPB đã rơi vào giai đoạn điều chỉnh, trong giai đoạn này cổ phiếu VPB:
 
(1) Sắp hoàn thành mô hình cốc tay cầm kinh điển theo phương pháp CANSLIM như hình màu tím đồ thị kèm theo.
 
(2) Cổ phiếu VPB đã có 4 lần rũ bỏ và đáy được nâng dần, điều đấy phản ảnh lượng cổ phiếu của những nhà đầu tư nhỏ lẻ đã bị thu gom bởi những nhà đầu tư chuyên nghiệp. 
 
(3) Hiện tại giá cổ phiếu VPB đã về mức 37.x, đây là vùng hỗ trợ rất mạnh của VPB với sự hội tụ 1 đường hỗ trợ nằm ngang và kênh giá màu vàng, đường trung bình động 100 ngày (MA100), đường trung bình động 50 ngày (MA50)  như hình vẽ kèm theo.
 
(4) Vì vậy theo kinh nghiệm chúng tôi, cổ phiếu VPB sẽ tăng lên vùng giá 40.x, sau đấy tích luỹ để hình thành mô hình cốc tay cầm.
 
Nếu quá trình này thành công, thì khả năng cổ phiếu sẽ có phiên bùng nổ mạnh ở vùng giá này và hướng tới giá mục tiêu khoảng 48.000 – 50.000 đồng/cổ phiếu (tăng khoảng 25%, đây là mức tăng trung bình của 1 cổ phiếu theo mô hình cốc tay cầm CANSLIM từ điểm bùng nổ; hơn nữa đây là vùng giao nhau giữa 2 đường trendline như hình vẽ kèm theo).
 
Như vậy, với chiến lược rõ ràng, khác biệt và xuyên suốt được khẳng định bởi kết quả hoạt động trong suốt 10 năm vừa qua với các chỉ số tài chính quan trọng luôn trong trạng thái vượt trên mức trung bình ngành hay thậm chí là dẫn đầu ngành là minh chứng hùng hồn cho tầm nhìn chiến lược của ban lãnh đạo ngân hàng.
 
Với sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế hậu COVID kéo theo sự tăng trưởng của nhóm ngành tài chính tiêu dùng, sự trở lại của VPB là tất yếu với những điểm tựa vững chắc từ nền tảng cơ bản mạnh mẽ và tiềm năng to lớn từ sự hỗ trợ của cổ đông chiến lược ở cả ngân hàng mẹ và FE Credit.
 
Bên cạnh đó, ngân hàng không ngừng gia tăng quy mô vốn chủ sở hữu nhằm tăng cường mạnh mẽ hơn nữa năng lực tài chính, đảm bảo tốt các chỉ tiêu an toàn hoạt động và khẳng định cơ sở để mở rộng các cơ hội kinh doanh của phân khúc chiến lược cũng như đầu tư vào các mảng mới để hỗ trợ các hoạt động kinh doanh truyền thống như investment banking, wealth management.
 
Từ cả góc nhìn cơ bản lẫn kỹ thuật, chúng tôi cho rằng mức định giá cổ phiếu VPB thời điểm cuối năm 2021 hướng tới mức giá mục tiêu khả quan 48.000 đồng/cổ phiếu (tương ứng với mức P/B 2.2x thận trọng ở mức trung bình ngành) tương đương tiềm năng tăng giá 25%.