Cổ phiếu CBS vừa có chuỗi tăng trần 9 phiên liên tiếp, tương đương mức tăng hơn 280% sau hai tuần. Thanh khoản bình quân cũng cải thiện từ 1.000 đơn vị lên hơn 93.000 cổ phiếu trong những phiên gần đây. Nhờ cắt giảm mạnh các loại chi phí, lợi nhuận niên vụ 2020-2021 đạt hơn 56 tỷ đồng, gấp hơn 7 lần cùng kỳ.
Kết phiên 4/10, cổ phiếu
CBS của CTCP Mía đường Cao Bằng (UPCoM:
CBS) tăng 3,3% lên 46.300 đồng/cp, chấm dứt chuỗi tăng trần 9 phiên liên tiếp. Sau gần hai tuần giao dịch, thị giá mã này đã tăng 283%.
Thanh khoản bình quân 10 phiên gần nhất khoảng 93.000 cổ phiếu, riêng ngày 1/10 ghi nhận lượng khớp lệnh gần 280.000 đơn vị với giá trị 12,5 tỷ đồng. Những phiên trước, khối lượng giao dịch dao động quanh 1.000-5.000 đơn vị, nhiều phiên không có thanh khoản.
Mía đường Cao Bằng tiền thân là Nhà máy Mía đường Cao Bằng được khởi công xây dựng từ năm 1995. Đến tháng 12/1997, nhà máy hoàn thành và chính thức đưa vào sử dụng với công suất thiết kế 700 tấn/ngày. Công ty bắt đầu cổ phần hóa từ năm 2006 với vốn ban đầu 3,6 tỷ đồng.
Trải qua nhiều đợt phát hành cổ phiếu, vốn điều lệ gấp gần 10 lần, từ mức ban đầu 3,6 tỷ đến hơn 35 tỷ đồng. Trong đó, ông Nông Văn Lạc - cha Thành viên HĐQT Nông Văn Sơn là cổ đông lớn nhất với 46,52% cổ phần. Theo sau, CTCP Thương mại & Dịch vụ Song Phương và Chủ tịch HĐQT Nông Văn Thuyết với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 5,56% và 5,12%.
Ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, kinh doanh đường kính trắng và mía nguyên liệu. Vùng nguyên liệu của đơn vị tại huyện Quảng Hòa, Thạch An và Trùng Khánh của tỉnh Cao Bằng. Sản phẩm của doanh nghiệp được tiêu thụ trên địa bàn các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Hà Nội, Cao Bằng…
Giai đoạn từ 1998 đến 2009, công ty liên tục gặp nhiều khó khăn do tài chính còn yếu, thị trường tiêu thụ chưa ổn định, giá bán đường thấp, công suất thấp dẫn đến sản xuất không hiệu quả. Năm 2010, HĐQT đã phê duyệt dự án nâng cấp dây chuyền với công suất tối đa 1.800 tấn/ngày. Sau hai năm, công suất ép mía thực tế tăng lên 1.600-1.700 tấn mía/ngày và bắt đầu đi vào ổn định, hiệu quả.
Những niên vụ gần đây, công ty đang hợp tác với đối tác Trung Quốc để mở rộng phát triển sản xuất mía nguyên liệu để diện tích mía nguyên liệu đạt từ 2.850 ha đến 4.000 ha, sản lượng mía đạt từ 180.000 tấn đến 272.000 tấn mía, sản lượng mía xuất khẩu từ 30.000 tấn đến 68.000 tấn.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn do vốn cho sản xuất chủ yếu bằng vốn vay vì vậy phụ thuộc vào chính sách tín dụng của ngân hàng. Bên cạnh đó, đường trong nước sản xuất đã đáp ứng đủ cho tiêu dùng song đường nhập lậu vẫn chưa kiểm soát được, gây dư thừa đường, tiêu thụ khó khăn. Sản phẩm đường sản xuất trong năm của đơn vị chủ yếu tiêu thụ trong thị trường nội địa với giá không ổn định. Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 càng khiến thị trường tiêu thụ của công ty gặp nhiều khó khăn.
Niên độ 2020-2021 vừa qua (kết thúc ngày 30/6), doanh thu giảm 5% về 243 tỷ đồng, tương đương 161% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 56 tỷ đồng, gấp hơn 7 lần thực hiện niên vụ trước và gấp 28 lần kế hoạch.
Kết quả này đạt được nhờ công ty đã cắt giảm mạnh các loại chi phí. Cụ thể, giá vốn hàng bán giảm 24% xuống còn 180 tỷ đồng, chi phí tài chính giảm 40% về hơn 3 tỷ đồng hay chi phí bán hàng cũng giảm mạnh 20% xuống còn 1,19 tỷ đồng.
Quy mô tài sản đến ngày 30/6 ở mức 166 tỷ đồng, tăng 31% so với đầu vụ. Tài sản ngắn hạn chiếm 64%, chủ yếu là các khoản tiền và tương đương tiền. Tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn là 63 tỷ đồng, gấp gần 8 lần. Khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng 40% lên 19 tỷ đồng, phần lớn đến từ khoản phải thu nợ vùng nguyên liệu 8,6 tỷ đồng (tăng 123% so với đầu niên độ).
Về nguồn vốn, công ty không có nợ vay dài hạn, khoản vay ngắn hạn có giá trị 34 tỷ đồng, giảm 33%. Trong đó, nợ vay BIDV chiếm tỷ trọng nhiều nhất 95%, tương đương 32,5 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp mía đường còn 67 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển và 16 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.