Moody's ngày 16/5 đã hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Mỹ từ AAA xuống AA1 do nợ công gia tăng. Như vậy, Mỹ đã mất xếp hạng tín nhiệm AAA từ một cơ quan xếp hạng lớn.
Quyết định của Moody's đã giáng một đòn mạnh vào quan điểm của Tổng thống Donald Trump về sức mạnh kinh tế và sự thịnh vượng.

Người dân mua sắm tại siêu thị ở Foster City, California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Giải thích về quyết định của mình, Moody's lưu ý nợ công và số tiền lãi vay của Mỹ đã gia tăng suốt hơn 10 năm qua lên mức cao hơn đáng kể so với các quốc gia có xếp hạng tương tự.
Moody's dự đoán thâm hụt ngân sách liên bang sẽ tăng lên gần 9% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2035, từ mức 6,4% GDP vào năm ngoái, "chủ yếu do tiền lãi vay và chi tiêu cho các chương trình phúc lợi xã hội tăng trong khi nguồn thu tương đối thấp.
Do đó, Moody's dự báo tỷ lệ nợ công sẽ tăng lên khoảng 134% GDP vào năm 2035, cao hơn nhiều so với mức 98% GDP vào năm ngoái.
Quyết định trên của Moody's tương tự như các quyết định của hai cơ quan xếp hạng lớn khác của Mỹ là S&P và Fitch.
S&P là cơ quan đầu tiên hạ xếp hạng của Mỹ vào năm 2011, trong nhiệm kỳ đầu tiên của cựu Tổng thống Barack Obama, trước những lo ngại về vấn đề nợ công của Mỹ.
12 năm sau, Fitch cũng làm điều tương tự, với cảnh báo rằng các tiêu chuẩn quản trị của Mỹ đã liên tục suy giảm trong 20 năm qua, bao gồm cả về các vấn đề tài khóa và nợ công.
Đồng quan điểm, Moody's cho rằng chính quyền và Quốc hội Mỹ đã không thống nhất được các biện pháp để đảo ngược xu hướng thâm hụt tài khóa hàng năm lớn và chi phí lãi vay ngày càng tăng.
Quyết định hạ mức xếp hạng từ AAA xuống AA1 càng làm tăng thêm tin xấu cho Tổng thống Trump, khi dự luật chi tiêu chủ chốt của ông cùng ngày đã không được thông qua trong cuộc bỏ phiếu quan trọng tại Quốc hội Mỹ do lập trường phản đối của một số đảng viên Cộng hòa theo quan điểm cứng rắn về tài chính.
Tuy nhiên, Moody's đã thay đổi triển vọng xếp hạng của Mỹ từ "tiêu cực" sang "ổn định", với lưu ý rằng dù Mỹ chưa giải quyết được mức nợ công gia tăng, quốc gia này "vẫn giữ được những điểm mạnh tín dụng đặc biệt như quy mô, khả năng phục hồi và sự năng động của nền kinh tế và vai trò của đồng USD như đồng tiền dự trữ toàn cầu".
Khánh Ly-Link gốc