Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Fed đã bóng gió về kế hoạch làm chậm tốc độ mua trái phiếu hàng tháng quy mô lớn, vốn có tác dụng ngăn chặn sự sụp đổ tài chính.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã bắt đầu cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày vào ngày 2/11, mở ra các cuộc thảo luận về khả năng rút lại các biện pháp kích thích kinh tế nhằm hỗ trợ nền kinh tế Mỹ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát.
Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Fed đã bóng gió về kế hoạch làm chậm tốc độ mua trái phiếu hàng tháng quy mô lớn, vốn có tác dụng ngăn chặn sự sụp đổ tài chính khi nền kinh tế lớn nhất thế giới lao đao do đại dịch từ tháng 3/2020.
Tuy nhiên, câu hỏi khó hơn mà các thành viên của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) đặt ra tại cuộc họp này chính là ngân hàng này phải hành động ra sao trước tình trạng giá cả leo thang khiến lạm phát tăng cao.
Khi đại dịch bắt đầu diễn ra, Fed đã giảm lãi suất chủ chốt xuống 0% và bắt đầu chương trình mua trái phiếu trị giá 80 tỷ USD mỗi tháng và ít nhất 40 tỷ USD chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp.
Những bước đi đó, cùng với các chương trình tín dụng khác và các gói viện trợ liên bang khổng lồ đã giúp nền kinh tế Mỹ phục hồi nhanh hơn hầu hết các nước khác trên thế giới.
Nhưng thành công đó đã thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng tăng vọt, trong khi các doanh nghiệp khó đáp ứng đủ nhu cầu này do tình trạng thiếu lao động và tắc nghẽn nguồn cung toàn cầu, khiến lạm phát tăng vọt lên hơn gấp đôi so với mục tiêu 2% của Fed.
Thông báo về chính sách được đưa ra ngày 3/11, sau khi cuộc họp khép lại, dự kiến sẽ ấn định ngày Fed bắt đầu giảm bớt chương trình mua trái phiếu, nhưng sẽ được xem xét kỹ lưỡng để xem quan điểm của ngân hàng này về lạm phát có thay đổi hay không và liệu Fed có thể tăng lãi suất vào năm 2022 hay không.
Nhà kinh tế Diane Swonk của Grant Thornton cho biết, FOMC muốn đợi cho đến khi hoàn tất việc giảm bớt chương trình mua trái phiếu trước khi quyết định nâng lãi suất. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed, Jerome Powell, cho biết Fed "có thể đẩy nhanh quá trình cắt giảm lãi suất. Ông Powell cho rằng áp lực lạm phát gần đây chỉ là "nhất thời" và cho biết tình hình này qua đi khi tác động của đại dịch lên chuỗi cung ứng được giải quyết.
Nhưng khi tỷ lệ lạm phát của Mỹ đạt 4,4% trong tháng 9, cho thấy áp lực lạm phát dường như đang kéo dài hơn dự đoán, làm dấy lên lo ngại rằng Fed sẽ phải sớm hành động.
Chuyên gia Kathy Bostjancic của Oxford Economics cho biết bà dự báo đợt tăng lãi suất cho vay chuẩn đầu tiên của Fed sẽ diễn ra vào tháng 12/2022.
Trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn giữ nguyên các chương trình kích thích kinh tế của khu vực, các ngân hàng trung ương lớn khác như Ngân hàng trung ương Canada (BoC) và Ngân hàng trung ương Brazil đã bắt đầu rục rịch thắt chặt chính sách tiền tệ. Ngân hàng Trung ương Anh có thể sẽ hành động tương tự vào cuộc họp chính sách ngày 4/11.