Điều chỉnh tăng 1.000-3.000 đồng/kg đã giúp giá lợn hơi trong nước hôm nay (1/12) tại một số tỉnh, thành phố đạt mốc 50.000 đồng/kg. Tuy giá tăng nhưng người chăn nuôi vẫn chưa có lãi vì nguyên liệu đầu vào chưa giảm, trong khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở một số địa phương.
Dù giá tăng nhưng người chăn nuôi lợn vẫn chưa có lãi.
Giá lợn hơi khu vực miền Bắc tăng từ 1.000-3.000 đồng/kg. Theo đó, một số địa phương như Lào Cai, Hưng Yên, Thái Nguyên và Hà Nam điều chỉnh tăng 3.000 đồng/kg, hiện giao dịch trong khoảng 48.000 - 50.000 đồng/kg.
Tương tự, Yên Bái, Thái Bình và TP Hà Nội đang thu mua lợn hơi lần lượt với giá 48.000 đồng/kg và 49.000 đồng/kg, cùng tăng 2.000 đồng/kg. Phú Thọ nhích nhẹ 1.000 đồng/kg lên mốc 50.000 đồng/kg, cùng giá với Vĩnh Phúc và Bắc Giang.
Giá lợn hơi tại miền Trung, Tây Nguyên tăng rải rác tại một số địa phương. Cụ thể, 3 tỉnh Hà Tĩnh, Bình Thuận và Nghệ An cùng tăng 2.000 đồng/kg lên 48.000 - 49.000 đồng/kg trong hôm nay. Cùng chiều tăng còn có Thừa Thiên Huế khi điều chỉnh tăng 2.000 đồng/kg, hiện thu mua lợn hơi tại mức 47.000 đồng/kg, ngang bằng với Quảng Bình, Khánh Hòa, Đắk Lắk và Ninh Thuận. Mốc giao dịch thấp nhất khu vực là 46.000 đồng/kg tại tỉnh Quảng Nam.
Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi tăng nhiều nhất là 2.000 đồng/kg tại một vài nơi. Trong đó, Bến Tre và Vũng Tàu lần lượt giao dịch với giá 47.000 đồng/kg và 49.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với hôm qua. An Giang và Tiền Giang cùng tăng 2.000 đồng/kg lên mốc 48.000 đồng/kg, thu mua chung mốc với Đồng Nai, TP HCM, Bình Dương, Long An, Cà Mau và Sóc Trăng. Các tỉnh còn lại không có thay đổi mới trong ngày hôm nay.
Theo các chủ trang trại, giá lợn hơi dù có tăng nhưng vẫn không thể bù đắp được chi phí chăn nuôi. Thậm chí, giá lợn hơi đạt mức 50.000 đồng, người chăn nuôi vẫn lỗ. Bởi, hiện nay giá thức ăn chăn nuôi đang rất cao, chăn nuôi lợn lại tốn nhiều chi phí đảm bảo an an toàn sinh học để tránh nguy cơ bị dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi.
Trong khi đó, ông Đoàn Xuân Trúc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, nhiều nông hộ và trang trại đã bỏ nghề chăn nuôi chủ yếu do cạn vốn. Nếu không có vaccine đặc hiệu sớm, dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lan rộng, sẽ càng nhiều người chăn nuôi kiệt quệ và số nông hộ và trang trại nuôi rời bỏ thị trường sẽ còn nhiều hơn trước.
Hiện đang là những tháng cận kề Tết Nguyên đán càng khiến cho việc buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn gia tăng mạnh, dịch bệnh cũng vì vậy mà dễ lây lan hơn. Mặc dù rất được chờ đợi nhưng vaccine ngừa dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa chính thức được hoàn thiện và cung cấp tới tay nông dân. Đây cũng là khó khăn đối với người chăn nuôi.