Dư địa tăng trưởng của ngành bao bì Việt Nam trong thời gian tới vẫn còn rất lớn. Nhiều doanh nghiệp bao bì đã nắm bắt cơ hội tăng trưởng bằng việc mở thêm nhà máy và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường và tiếp tục gây ra những thách thức về gián đoạn chuỗi cung ứng. Điều này làm tăng thêm những áp lực khó khăn đối với nền kinh tế nói chung và số đông doanh nghiệp Việt Nam; trong đó, có cả các doanh nghiệp ngành bao bì đóng gói.
Doanh nghiệp đóng gói bao bì sản phẩm gạo trước khi xuất khẩu. Ảnh: TTXVN
Để đối phó với thách thức này, các doanh nghiệp bao bì phải tìm kiếm các phương án dự phòng, tăng cường các biện pháp quản trị rủi ro về tài chính, liên tục cập nhật giá cả và xu hướng thị trường, xác định mức hàng tồn kho hợp lý, đa dạng nhà cung cấp nguyên vật liệu; đồng thời, chủ động hơn trong việc sản xuất nguyên liệu...
Theo đánh giá của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), dư địa tăng trưởng của ngành bao bì Việt Nam trong thời gian tới vẫn còn rất lớn. Nhiều doanh nghiệp bao bì đã nắm bắt cơ hội tăng trưởng bằng việc mở thêm nhà máy và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo Hiệp hội Giấy, Bột giấy Việt Nam (VPPA), giai đoạn cuối năm 2020 đầu năm 2021 có 8 nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp được đưa vào vận hành với tổng công suất thiết kế khoảng 1,4 triệu tấn/năm.
Sự gia tăng đầu tư mở rộng sản xuất từ phía các doanh nghiệp ngành này không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước; nhất là trong thời kỳ phục hồi kinh tế sau đại dịch, mà còn phục vụ xuất khẩu và đón bắt làn sóng đơn hàng khi chủ sở hữu nhiều thương hiệu cải tiến việc ra mắt sản phẩm của họ trong thời kỳ bình thường tiếp theo.
Xét về trung và dài hạn, cơ hội tăng trưởng của ngành bao bì cũng đang được thúc đẩy bởi sự gia tăng dân số toàn cầu và xu hướng mở rộng của tầng lớp trung lưu. So với con số 7,8 tỷ người hiện nay, dân số toàn cầu được dự đoán sẽ đạt 9,2 tỷ người vào năm 2040.
Cùng với đó, tầng lớp trung lưu toàn cầu dự kiến sẽ tăng 66% từ 3 tỷ người lên hơn 5 tỷ người trong 10 năm tới, với những người sống lâu hơn, khỏe mạnh và chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Khi quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng sẽ ngày một gia tăng và kéo theo nhu cầu về đóng bói, bao bì sản phẩm.
Cùng với đó là khi các hiệp định như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã được ký kết và đi vào hiệu lực cũng tiếp tục mở ra cơ hội xuất khẩu cho các ngành hàng sử dụng nhiều bao bì như nông, lâm, thủy sản, công nghiệp chế biến...
Cùng với nhu cầu rất lớn về bao bì chất lượng cao trên thế giới sẽ mang lại cơ hội xuất khẩu lớn cho ngành bao bì của Việt Nam.
Để đón bắt được cơ hội và gặt hái thành công trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động như hiện nay, ông Vũ Đăng Vinh, Tổng Giám đốc Vietnam Report phân tích, trước nhiều xu hướng phát triển vượt bậc sẽ đòi hỏi mỗi doanh nghiệp cần có một tư duy đổi mới kết hợp với các lựa chọn chiến lược đúng đắn.
Sự tiếp cận chủ động sẽ giúp các công ty đi đầu trong các diễn biến của thị trường, đồng thời tạo cơ hội trở thành đối tác quan trọng của khách hàng, các chủ thương hiệu.
Nếu như năm 2020, doanh nghiệp lựa chọn phương án mở rộng thị trường, đẩy mạnh hoạt động marketing thì năm 2021 gần 80% doanh nghiệp lại ưu tiên giải pháp tăng cường số hóa các hoạt động vận hành. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc triển khai và áp dụng chuyển đổi số trong ngành công nghiệp bao bì còn hạn chế.
Mới chỉ có 20% doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report cho biết đang trong giai đoạn thiết kế để chuyển đổi số. Với cách tiếp cận đúng đắn và lựa chọn trọng tâm, trọng điểm để thực hiện, các công ty bao bì sẽ có thể nâng cao hiệu quả về chi phí, tăng trưởng và năng suất nhờ việc áp dụng thành công các giải pháp kỹ thuật số.
Trong bối cảnh hiện nay, Vietnam Report cho rằng, có 5 giải pháp giúp các doanh nghiệp ngành bao bì hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn trong thời kỳ bình thường tiếp theo.
Đó là, tăng cường đầu tư công nghệ, số hóa các hoạt động vận hành của doanh nghiệp, tăng cường các biện pháp quản trị rủi ro tài chính, chuỗi cung ứng, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thích ứng với chuyển đổi số, mở rộng thị trường, đẩy mạnh hoạt động marketing và thực hiện chiến lược phát triển bền vững, bảo vệ môi trường./.