Từ bài học đắt giá trong đầu tư dự án BOT giao thông, CIENCO4 đã hoạch định chiến lược đi lên với ba lĩnh vực cốt lõi để hội nhập.
PV Báo Giao thông trao đổi với ông Lê Đức Thọ, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn CIENCO4 về vấn đề này.
Đầu tư chọn lọc, thi công hạ tầng giao thông là trụ cột
Từ sau cổ phần hóa, CIENCO4 được đánh giá là một trong những “ông lớn” hiếm hoi trong lĩnh vực GTVT có sự bứt phá mạnh mẽ. Vì sao CIENCO4 có được kết quả này, thưa ông?
Thực hiện chủ trương của Chính phủ và Bộ GTVT, ngày 2/6/2014, CIENCO4 tiến hành cổ phần hóa, chuyển mô hình hoạt động từ doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước sang công ty cổ phần.
Hoạt động với mô hình mới, CIENCO4 có cơ hội mở rộng thị trường, tiếp cận được các dự án quy mô lớn sử dụng vốn vay của ADBM, WB, JICA tại các dự án như: Nội Bài - Lào Cai, Bến Lức - Long Thành, Nhật Tân - Nội Bài.
Đây là điều trước đây CIENCO4 không thể tham gia thi công do các điều kiện ràng buộc về pháp lý của nhà tài trợ.
Nhờ cơ chế quản lý chặt chẽ, năng động, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, tổng giá trị tài sản của CIENCO4 liên tục tăng trưởng.
Nếu thời điểm năm 2010, tổng giá trị tài sản của Tập đoàn chỉ gần 1.400 tỷ đồng thì đến quý III/2021, con số này đã chạm ngưỡng gần 8.000 tỷ đồng, tăng gần 6 lần so với thời điểm trước cổ phần hóa.
Tiếp tục phát triển với mô hình tập đoàn, hạ tầng giao thông còn được coi là trọng tâm phát triển của CIENCO4?
Chắc chắn là như vậy! Xác định quá trình hội nhập và phát triển mạnh mẽ của đất nước, ngành GTVT luôn đóng vai trò là ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, luôn “đi trước, mở đường” cho sự phát triển, chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của CIENCO4 là tiếp tục duy trì vị trí số 1 trong lĩnh vực thi công hạ tầng giao thông.
Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, Tập đoàn sẽ tiếp tục tập trung vào lĩnh vực hạ tầng giao thông đường bộ, cung cấp dịch vụ khép kín với 4 hoạt động trọng tâm gồm: Hoạt động đầu tư, thi công xây lắp, quản lý vận hành, khai thác công tình giao thông đường bộ và đầu tư phát triển bất động sản, các dịch vụ gắn liền với đường cao tốc.
Còn lĩnh vực đầu tư giao thông thì sao? Sau những vướng mắc của các dự án BOT đã triển khai? CIENCO4 có còn mặn mà đầu tư dự án giao thông khác?
Trước tiên phải khẳng định, bên cạnh mảng thi công xây lắp hạ tầng, trở thành nhà đầu tư hạ tầng giao thông số 1 cũng là mục tiêu CIENCO4 luôn hướng tới.
Tuy nhiên, Tập đoàn sẽ đầu tư một cách có chọn lọc, không đầu tư dàn trải, không đấu thầu bằng mọi giá, chỉ tập trung vào các dự án khắc phục được tồn tại của dự án BOT trước đây.
Ngay cả các dự án thi công xây lắp, CIENCO4 cũng chỉ tham gia các dự án có nguồn vốn rõ ràng.
Mới đây nhất, Tập đoàn đã tiếp tục gói thầu đầu tư theo hình thức PPP Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt với giá trị hơn 9.200 tỷ đồng.
Trong đó, CIENCO4 là một trong các nhà đầu tư được lựa chọn cùng liên doanh với giá đề nghị trúng thầu (vốn góp của Nhà nước - VGF) là hơn 4.100 tỷ đồng.
Vậy đâu là dự án mục tiêu CIENCO4 định hướng tham gia trong thời gian tới?
Với sự hiện diện tại nhiều gói thầu dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 như: Diễn Châu - Bãi Vọt, Nghi Sơn - Diễn Châu, Phan Thiết - Dầu Giây, CIENCO4 đang tiếp tục dành sự quan tâm, đặc biệt là 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam.
CIENCO4 cũng định hướng tăng cường liên danh liên kết với các doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực giao thông, tăng cơ hội thắng thầu tại dự án đường ven biển đi qua nhiều tỉnh, thành.
Động lực tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2025 của CIENCO4 cũng sẽ tập trung vào các dự án trọng điểm quốc gia, sẽ bắt đầu mở thầu đầu năm 2021 như sân bay Long Thành.
Công tác chuẩn bị lực lượng, cân đối nguồn lực để tiếp tục tham gia các gói thầu lớn đã được CIENCO4 chuẩn bị ngay từ thời điểm hiện tại.
Mở rộng đầu tư, tăng trợ lực cho mảng thi công xây lắp
Cineco4 tổ chức thi công bãi đúc dầm Supper-T và lắp dựng trạm trộn 120m3.h tại cầu vượt QL55, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây
Ông có thể chia sẻ thêm về hai “thế chân kiềng” còn lại CIENCO4 đang hướng tới?
Như đã nói ở trên, chiến lược của CIENCO4 là đi từ ngành nghề truyền thống, xây dựng hạ tầng giao thông làm chủ đạo, từ đó mở rộng ngành nghề hiệu quả và phù hợp với điều kiện.
Cụ thể, CIENCO4 đã và đang chuẩn bị mở rộng, bước chân vào lĩnh vực đầu tư tài chính và bất động sản, nghỉ dưỡng.
Đối với đầu tư tài chính, CIENCO4 định hướng tham gia vào một số đơn vị có văn hóa doanh nghiệp tương đồng, hoạt động kinh doanh tốt để thu lợi nhuận hàng năm; Tham gia vào trái phiếu doanh nghiệp, mua cổ phần.
Đây được coi là bước đi chiến lược, đúng đắn ban lãnh đạo Tập đoàn đề ra. Mảng đầu tư tài chính sẽ giúp CIENCO4 chủ động được nguồn tài chính và sẵn sàng bổ trợ cho mảng xây lắp để tăng năng lực và uy tín của doanh nghiệp.
Trong đầu tư bất động sản, tiếp bước thành quả đã đạt được tại Khu đô thị Khu Long Sơn 1 và Long Sơn 3, thời gian tới CIENCO4 sẽ tập trung vào dự án Khu nghỉ dưỡng Green Tea Islands với tổng mức đầu tư hơn 9.800 tỷ đồng.
Tại Tòa nhà 136 Lê Văn Duyệt (phường 1, quận Bình Thạnh, TP.HCM), Tập đoàn đang tiến hành chuyển đổi công năng sử dụng và quy mô đầu tư với diện tích hơn 1.800m2 được xây dựng kinh doanh tổ hợp thương mại để thu hồi vốn và trường mầm non sẽ bàn giao lại cho địa phương.
Ngoài ra, tại khu đất tại xã Hưng Đạo, phía Tây thành phố Vinh có tổng diện tích hơn 4ha, CIENCO4 đang đầu tư xây dựng tại khu Nhà Hạt tuyến tránh TP Vinh với diện tích trên 3.000m2.
Dự án chung cư thương mại CIENCO4 Group tại 29 Quang Trung, TP Vinh; Dự án “Khu du lịch ẩm thực sinh thái Nghi Hải” nằm tại phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An.
CIENCO4 sẽ tiếp tục xem xét các khu vực có hiệu quả trong tương lai, sôi động như TP.HCM, Hà Nội, một số tỉnh, thành là đầu tàu kinh tế để tiếp tục đầu tư vào bất động sản, tăng nguồn thu cho doanh nghiệp.
CIENCO4 đặt mục tiêu tăng trưởng như thế nào với chiến lược “ba chân kiềng” như trên, thưa ông?
Với định hướng rõ ràng cùng các giải pháp triển khai bài bản, CIENCO4 đặt ra mục tiêu tăng trưởng doanh thu từ 30 - 50%/năm.
Cảm ơn ông!
Điều chỉnh vốn điều lệ lên hơn 2.200 tỷ đồng
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, CIENCO4 đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 1.100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau khi xem xét chiến lược phát triển kinh doanh trong trung hạn và cân nhắc cơ hội đầu tư mới trong giai đoạn 2021 - 2022, vốn điều lệ đã được đồng thuận điều chỉnh lên hơn 2.200 tỷ đồng thông qua phương án chào bán cổ phiếu ưu đãi cho cổ đông hiện hữu sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán, CIENCO4 sẽ dùng để thanh toán các khoản nợ vay ngân hàng (500 tỷ đồng), các khoản nợ vay cá nhân (130 tỷ đồng), các khoản công nợ phải trả cho các nhà thầu phụ và nhà cung cấp vật tư (100 tỷ đồng) và thanh toán vốn lưu động khác (hơn 393 tỷ đồng).