Ngày 9/12/2021 tại Hà Nội, Tập đoàn PAN và C.P. Việt Nam chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược, qua đó cam kết hỗ trợ nhau mở rộng và phát triển hoạt động kinh doanh, khai thác tốt nhất tiềm năng của thị trường, thế mạnh trong lĩnh vực kinh doanh truyền thống của mỗi bên, cũng như thúc đẩy sự phát triển bền vững của các chuỗi giá trị.
Tập đoàn PAN và C.P. Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược
Theo đó, hai bên đồng ý hợp tác trong phát triển chuỗi giá trị con tôm, từ con giống đến bàn ăn, nhằm nâng tầm ngành tôm Việt Nam.
Với thế mạnh về nuôi tôm hiệu quả và chế biến tôm chất lượng cao, Tập đoàn
PAN cùng công ty thành viên cam kết sẵn sàng trong chuyển giao, chia sẻ kinh nghiệm, quy trình nuôi và chế biến tôm; ưu tiên sử dụng con giống, thức ăn, chế phẩm nuôi tôm của C.P. Việt Nam.
Với thế mạnh về sản xuất tôm giống và thức ăn cho tôm, C.P. Việt Nam cam kết hỗ trợ kịp thời và đầy đủ các nguồn vật tư nuôi tôm như con giống, thức ăn, chế phẩm nuôi tôm… cho vùng nuôi của các công ty thành viên Tập đoàn
PAN.
Hai bên cam kết cùng hỗ trợ Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) hoàn thiện quy trình và nâng cao hiệu quả nuôi tôm, mở rộng vùng nuôi tôm, đa dạng hoá sản phẩm đầu ra và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Đồng thời, Tập đoàn
PAN và C.P. Việt Nam cũng cam kết hợp tác trong chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ nuôi tiên tiến và các ứng dụng chuyển đổi số trong nuôi trồng, chế biến thuỷ sản nói chung và ngành tôm nói riêng.
Cùng với đó, hai bên cam kết cùng hợp tác trong các hoạt động vì môi trường và cộng đồng, hướng tới 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs) đến năm 2030, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững và nhu cầu của mỗi bên, thông qua các dự án cụ thể.
Dự án đầu tiên kết hợp giữa Tập đoàn
PAN và C.P. Việt Nam là chương trình phát triển bền vững góp phần tăng diện tích che phủ rừng ngập mặn tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Chương trình do Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) chủ trì vận hành.
Hai bên cam kết cùng tham gia tài trợ và triển khai hoạt động trồng, phát triển, phục hồi rừng ngập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long, nâng cao giá trị và sự bền vững của chuỗi giá trị thủy sản (tôm, cá tra), phối hợp với các đối tác triển khai một cách thiết thực, hiệu quả và tận dụng các nguồn lực thực hiện.
Hai bên đóng góp nguồn tài trợ tổng kinh phí cho dự án là 200.000 USD trong giai đoạn 2022 – 2023.
Ngoài lĩnh vực thuỷ sản, hai bên cam kết cùng hợp tác, hỗ trợ, kết nối đối tác cho nhau trong những lĩnh vực khác mà mỗi bên hoặc đơn vị liên quan của mỗi bên có thế mạnh.