Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 qua tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu vừa được đề nghị thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Dự án có chiều dài 53,7km với tổng mức đầu tư 18.805 tỷ đồng.
Bộ Giao thông vận tải vừa có tờ trình số 1258 đề nghị Bộ Kế hoạch & đầu tư xem xét, thẩm định hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) qua tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu theo phương thức PPP (hợp đồng BOT).
Đề xuất thẩm định dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu trị giá 18.805 tỷ đồng.
Dự án đề xuất đầu tư mới toàn tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu phân kỳ giai đoạn 1, vận tốc thiết kế 100 km/h với phạm vi điểm đầu Km0+000 giao Quốc lộ 1 với tuyến tránh thành phố Biên Hòa thuộc thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và điểm cuối tại Km53+700 giao với đường vành đai thành phố Bà Rịa (Quốc lộ 56) thuộc huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Dự án có chiều dài 53,7km, trong đó quy mô đoạn từ thành phố Biên Hòa - Long Thành (nút giao với đường cao tốc Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây) là 4 làn xe cao tốc, đoạn Long Thành - Tân Hiệp (giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành) là 6 làn xe cao tốc và đoạn từ Tân Hiệp đến Quốc lộ 56 là 4 làn xe cao tốc.
Dự án được đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư dự án là 18.805 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước hỗ trợ dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 6.722 tỷ đồng (bao gồm chi phí GPMB, chi phí rà phá bom mìn, chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng và chi phí khác trong giai đoạn chuẩn bị dự án); vốn Nhà đầu tư huy động là 12.083,062 tỷ đồng.
Để hoàn vốn, nhà đầu tư được phép thu phí hoàn vốn dự kiến 17 năm 5 tháng (sẽ được xác định cụ thể trong bước đàm phán; ký kết hợp đồng dự án), hết thời hạn, Nhà đầu tư chuyển giao công trình cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý.
Theo kế hoạch, Bộ Giao thông vận tải sẽ trình cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư vào quý I/2021; lập, thẩm định và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi từ quý II/2021 đến quý IV/2021; thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, thành lập doanh nghiệp dự án và ký kết hợp đồng dự án từ quý IV/2021 đến quý IV/2022; công tác GPMB triển khai từ quý I/2022 đến quý I/2023; triển khai xây dựng từ quý IV/2022, thời gian thi công 24 tháng; bàn giao đưa công trình vào khai thác vào năm 2025.
Được biết, từ năm 2008, Bộ Giao thông vận tải đã cho phép chuẩn bị đầu tư và năm 2010 phê duyệt đề xuất dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tại Quyết định số 1949/QĐ-BGiao thông vận tải ngày 12/7/2010.
Trên cơ sở đó, Công ty cổ phần đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã thực hiện các bước chuẩn bị dự án đầu tư. Tuy nhiên, do tổng mức đầu tư dự án lớn lại chưa thu xếp được nguồn vốn nên dự án chưa thể triển khai, Công ty cổ phần phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có văn bản xin rút không tiếp tục nghiên cứu đầu tư, do vậy, phải tiến hành nghiên cứu đề xuất lại phương án đầu tư theo quy định của Nghị định Chính phủ mới ban hành.
Trong điều kiện ngân sách Nhà nước hạn hẹp, để có thể sớm triển khai dự án, đáp ứng yêu cầu về tăng trưởng giao thông trong khu vực, kết nối mạng lưới đường trong khu vực khi tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành hoàn thành, phát huy hiệu quả của đường cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây, QL51 đã khai thác, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và được chấp thuận cho phép phân đoạn, phân kỳ đầu tư đề xuất đầu tư dự án theo phương thức PPP.
Bộ Giao thông vận tải khẳng định, để đáp ứng yêu cầu sớm đưa dự án vào khai thác, việc kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP là phù hợp trong giai đoạn hiện nay.
Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải , dự án khi hoàn thành sẽ nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn thời gian vận chuyển giữa tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu với mạng lưới giao thông trong khu vực và hệ thống đường giao thông quốc gia, phát huy hết vai trò hiệu quả của các dự án trong khu vực đã và đang triển khai. Đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên các tuyến: cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây, QL51, cao tốc Bến Lức - Long Thành và đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải...
Dự án đồng thời tạo bước phát triển đột phá về kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và khu vực Đông Nam Bộ nói chung; giảm tải cho QL51 đang trong tình trạng quá tải, phát huy hiệu quả của việc đầu tư xây dựng dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, hệ thống mạng lưới đường cao tốc đã và đang đầu tư trong khu vực thúc đẩy kinh tế khu vực.