Quy đổi theo tỷ giá tại Vietcombank, giá vàng thế giới đang được giao dịch ở mức 48,3 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước tới 7,3 triệu đồng/lượng, mở rộng so với khoảng cách quanh 6,5 triệu đồng/lượng trong sáng qua.
Ảnh minh họa.
Khảo sát lúc 9h15 sáng nay (27/2), giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đang ở ngưỡng 55,60 - 56,10 triệu đồng/lượng, giảm tiếp 300 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 200 nghìn đồng/lượng chiều bán ra so với giá khảo sát sáng qua. Chênh lệch giá mua vào - bán ra đang ở ngưỡng 500 nghìn đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng Doji bán lẻ tại Hà Nội cũng giảm 300 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 150 nghìn đồng/lượng chiều bán ra, đang niêm yết ở mức 55,50 – 56,10 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua vào bán ra tại doanh nghiệp này vẫn đang ở mức 600 nghìn đồng/lượng.
Tính từ đầu tuần, mỗi lượng vàng SJC đã giảm khoảng 150 nghìn đồng, tương đương 0,27% giá trị.
Biểu đồ: Kitco
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay trên Kitco đang ở mức 1.735,6 USD/ounce, giảm tới 34,5 USD/ounce, tương đương 1,95% so với chốt phiên trước.
Quy đổi theo tỷ giá tại Vietcombank, giá vàng thế giới đang được giao dịch ở mức 48,3 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước tới 7,3 triệu đồng/lượng, mở rộng so với khoảng cách quanh 6,5 triệu đồng/lượng trong sáng qua.
Trước đó, chốt phiên giao dịch ngày hôm qua (26/2), giá vàng giao hợp đồng tương lai tháng 4/2021 giảm 46,60 USD/ounce tương đương 2,6% xuống 1.728,80 USD/ounce – ngưỡng đóng cửa thấp nhất tính từ tháng 6/2020, theo Dow Jones Market Data.
Giá vàng tính theo hợp đồng gần nhất giảm 2,7% trong tuần gần nhất và mất 6,6% trong cả tháng. Như vậy giá vàng có tháng giảm sâu nhất tính từ tháng 11/2016.
Theo giới phân tích, lợi suất trái phiếu tăng cao là cản trở số 1 đối với giá vàng bởi nó làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản mà không có lãi suất hoặc cổ tức. Bên cạnh đó, đồng USD mạnh lên cũng gây sức ép lên kim loại quý.