Nhiều người có tâm lý mua vàng trước ngày vía Thần Tài (mùng Mười tháng Giêng) để bán ra đúng ngày nhằm hưởng chênh lệch. Vì vậy, khoảng 2 tuần trước ngày này, giao dịch vàng thường nhộn nhịp hơn trước và giá vàng trong nước ít đi theo xu hướng giá vàng thế giới. Nhưng với tình hình dịch bệnh như năm nay, liệu xu hướng này có còn xảy ra?
Nhu cầu mua vàng trước ngày vía Thần Tài bắt đầu tăng.
Tuy nhiên, cũng không hẳn giá vàng trong nước chỉ không theo giá vàng thế giới vào những ngày trước ngày vía Thần Tài. Ngay cả những ngày thường, giá vàng trong nước đôi khi cũng không theo giá vàng thế giới, ví dụ đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần trước, giá vàng thế giới giảm mạnh, nhưng giá vàng SJC trong nước lại tăng 350.000 đồng/lượng, cùng với đó lượng giao dịch cũng tăng nhẹ.
Nhu cầu mua vào bắt đầu tăng
Theo dõi diễn biến giá vàng trong những năm gần đây cho thấy, trước ngày vía Thần Tài giá bán vàng miếng SJC, vàng nhẫn luôn trụ ở mức cao, thì sau ngày này sẽ tuột dốc nhanh.
Chẳng hạn, ngày vía Thần Tài năm 2020 giá vàng nhẫn bán ra là 45,3 triệu đồng, hai ngày sau đó các cửa hàng kinh doanh vàng giảm mạnh giá bán còn 44,1 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua - bán cũng rất cao, lên đến 550.000 đồng/lượng.
Như vậy, chỉ sau 2 ngày nhà đầu tư bán lại đã lỗ khoảng 1,75 triệu đồng/lượng, tính luôn cả chênh lệch giá mua - bán.
Vì vậy, nhiều người coi đây là cơ hội đầu tư sinh lời hiệu quả. Chị Nguyễn Anh Thư (Hà Nội) chia sẻ, những năm gần đây trước ngày vía Thần Tài khoảng 2 tuần chị thường lấy hết tiền tiết kiệm để đi mua vàng, đợi đến ngày vía Thần Tài bán ra để hưởng chênh lệch.
“Năm ngoái nhờ “lướt sóng” giá vàng mà tôi bỏ túi hơn 100 triệu đồng chỉ trong vòng 2 tuần. Số tiền này bằng cả năm đi làm của tôi”, chị Thư nói.
Giống như chị Thư, anh Nguyễn Anh Tuấn (Hà Nội) cũng không ngần ngại cho biết, theo quy luật những năm gần đây, giá vàng thường tăng cao vào gần ngày Thần Tài do quan niệm mua vàng lấy may. Năm nay cũng không ngoại lệ anh vừa mua 4 lượng vào hồi cuối tháng 1 và đợi đến đúng ngày vía Thần Tài để bán ra hưởng chênh lệch.
Nhân viên một cửa hàng kinh doanh vàng trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) cho biết, những ngày gần đây chủ yếu người dân đến mua vào. Nguyên nhân một phần là do giá vàng có chiều hướng giảm và nhu cầu sắm vàng trước Tết, đặc biệt là trước ngày vía Thần tài để có giá mua vào tốt hơn cũng bắt đầu tăng vào những ngày cuối tháng Chạp.
Cẩn trọng "lướt sóng" giá vàng
Trước tình trạng này, nhiều chuyên gia cảnh báo có thể tiềm ẩn rủi ro đối với việc "đón sóng" này.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng còn vài tuần nữa đến ngày Thần Tài và giá vàng trong nước thường tăng mạnh, thời điểm này có thể là thuận lợi để mua vàng vào. Tuy nhiên, ông lưu ý cần cẩn trọng vì giá vàng biến động khôn lường, không có gì đảm bảo giá vàng tăng cao hơn lúc này.
"Theo quan sát của tôi trong nhiều năm, giá vàng trong ngày vía Thần Tài thường được đẩy lên rất cao một phần do nhờ nhu cầu vàng trong ngày này tăng, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do các tiệm vàng đẩy giá. Vì vậy, không có gì đảm bảo là kinh doanh vàng không thua lỗ vào ngày này vì còn phụ thuộc vào mức độ chênh lệch giá mua - bán vào ngày vía Thần Tài", ông Hiếu nhận định.
Thực tế trong những năm qua, giá vàng trong ngày Thần Tài thường cao hơn so với giá trị thực tế khoảng 3 - 5%.
Giả sử giá vàng thế giới trong ngày vía Thần Tài khoảng 1.850 USD/ounce, tương ứng với giá vàng trong nước lẽ ra là khoảng 56 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, giá có thể sẽ bị đẩy lên thêm 3 - 5% lên khoảng 57,7 - 58,8 triệu đồng/lượng.
Vì vậy, chuyên gia khuyến cáo, mức chênh lệch mua - bán khoảng 500 nghìn đồng/lượng có thể chấp nhận được, 1 triệu là rất cao và trên 3 triệu đồng/lượng thì rất nguy hiểm nhà đầu tư, cần cẩn trọng.
"Thời điểm này rất khó đoán định mức chênh lệch của giá mua - bán trong ngày Thần Tài nhưng theo tôi khả năng 60% "ăn" và 40% "thua". Do đó, không nên mua quá mạnh tay và cần phân bổ rủi ro vào các tài sản khác", ông Hiếu nói.
Hầu hết các chuyên gia đều có chung nhận định, ngày vía Thần Tài năm nay vàng có khả năng tăng giá, song rủi ro "lao dốc" vẫn luôn tiềm ẩn. Trong khi đó, kênh tiền gửi tiết kiệm vẫn có tỷ suất sinh lời khá, tính an toàn và thanh khoản cao. Do đó, vàng chỉ phù hợp đầu tư dài hạn hơn là lướt sóng kiếm lời.
“Nếu đầu cơ thì sẽ rất rủi ro vì giá vàng có nguy cơ rớt bất kỳ lúc nào, dù triển vọng dài hạn là tăng giá, thậm chí dự báo tăng mạnh trong năm nay”, một chuyên gia khuyến cáo.