Nhiều ý kiến cho rằng việc thiếu vỏ container trên thế giới chỉ cục bộ và khi dịch được kiểm soát mọi thứ sẽ trở lại bình thường.
Hòa Phát quyết định sản xuất vỏ container với sản lượng 500.000 TEU/năm, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có.
Hòa Phát sản xuất container tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có
Mới đây, Tập đoàn Hòa Phát (HoSE:
HPG) hé lộ quyết định đầu tư sản xuất vỏ container rỗng sau thời gian dài nghiên cứu về nhu cầu. Trước mắt, Hòa Phát dự định sản xuất 500.000 TEU/năm chia tại 2 khu vực gần cảng biển là Hải Phòng và Đông Nam Bộ. Nhà máy đầu tiên sẽ xây dựng tỉnh Bình Dương hoặc Đồng Nai, gần với cảng Cát Lái, Cái Mép – Thị Vải.
Hòa Phát cho biết, theo nghiên cứu, những năm gần đây, 70% nhu cầu container xuất phát từ khu vực phía Nam. Nguyên liệu cho sản xuất vỏ container rỗng là loại thép HRC, mác SPA-H đặc chủng, kháng tự nhiên, kháng thời tiết, sản phẩm thuộc dự án Dung Quất 2 của Hòa Phát. Với sản lượng 500.000 TEU/năm (1 TEU là container 20 feet) sẽ tiệu thu 1 triệu tấn thép cuộn cán nóng HRC/năm, là đầu ra cho Dự án Dung Quất 2 của Hòa Phát. Như vậy có thể nói container là sản phẩm giá trị gia tăng nằm trong hệ sinh thái sản xuất gang thép của Hòa Phát.
Tập đoàn đang tuyển dụng nhân sự có kinh nghiệm để có thể bắt tay ngay vào xây dựng nhà máy. Dự kiến đầu quý II/2022, Hòa Phát có thể cung cấp ra thị trường container rỗng mang thương hiệu của mình. Lãnh đạo doanh nghiệp khẳng định quy mô sản xuất lớn nên chắc chắn giá thành sản phẩm sẽ rất cạnh tranh.
Hòa Phát tuyển dụng nhiều nhân sự cho dự án sản xuất vỏ container.
Quyết định đầu tư của Hòa Phát đưa ra trong bối cảnh thiếu hụt container đẩy giá cước vận tải lên gấp nhiều lần trong vòng 3 tháng qua. Nguyên nhân xuất phát từ việc Trung Quốc phục hồi sớm và đẩy mạnh xuất khẩu, nhu cầu container tăng cao trong khi dịch bệnh khiến thời gian bốc xếp, xử lý hàng hóa chậm dẫn đến tình trạng ùn ứ container tại châu Âu và Mỹ. Khi Trung Quốc khan hiếm container đẩy giá cước lên cao thì các hãng tàu biển lại nhanh chóng chuyển container rỗng về do lợi nhuận tốt hơn là chờ có đủ hàng chở về. Việc này đồng thời cũng dẫn đến tình trạng khan hiếm container rỗng ở Mỹ, châu Âu, châu Á và các khu vực khác.
Tại cuộc họp về việc tăng giá vận tải hàng hóa container vào giữa tháng 1, nhiều chủ hàng trong ngành thủy sản, nhựa và gỗ cho biết trong hơn 3 tháng qua giá thuê container rỗng liên tục tăng, từ mức ban đầu chưa tới 1.000 USD/container/40 feet nay đã đội giá lên tới 8.000-10.000 USD/container/40 feet đi thị trường Anh.
Ông Đặng Triệu Hòa, Tổng giám đốc Sợi Thế Kỷ cho biết giá cước vận tải đã tăng từ 300-400 USD/TEU lên 1.700-1.800 USD/TEU.
Thiếu container chỉ cục bộ, dự báo trở lại bình thường từ giữa năm
Ngành sản xuất container trên thế giới hiện nay đang quá phục thuộc vào Trung Quốc, chiếm đến 90% sản lượng toàn cầu. Riêng nhà sản xuất container lớn nhất thế giới China International Marine Containers (CIMC) chiếm thị phần đến 60%.
Trước cuộc khủng hoảng thiếu container rỗng hiện tại, ngành này có dấu hiệu suy yếu và cạnh tranh gay gắt các năm gần đây. Báo cáo CIMC dẫn dự báo của Clarkson – nhà phân tích ngành công nghiệp hàng đầu toàn cầu - cho biết tăng trưởng thương mại container thế giới năm 2019 chỉ đạt 2%, giảm so với mức 4,5% năm 2018; năm 2020 được dự báo tăng 2,4%.
Theo báo cáo của CIMC, tiêu thụ container đã chậm lại đáng kể trong năm 2019 trước diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, lệnh giới hạn hàm lượng lưu huỳnh trong dầu nhiên liệu hàng hải có hiệu lực từ 1/1/2020 và nhu cầu yếu. Doanh số bán container của tập đoàn đạt 898.600 TEU trong năm 2019, giảm 41% so với năm 2018, giảm 31% so với năm 2017.
Chia sẻ thông tin với Người Đồng Hành, đại diện công bố thông tin của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cho biết vỏ container có thời gian sử dụng vài năm hoặc vài chục năm tùy chất lượng. Khi dịch Covid-19 được kiểm soát, việc lưu thông hàng hóa trở lại bình thường thì điều hòa container cũng trở lại bình thường.
Với việc sản xuất vỏ container, một chuyên gia có trên 30 năm trong lĩnh vực logistics chia sẻ với Người Đồng Hành Việt Nam chưa có nhà sản xuất đúng nghĩa, mà chỉ có một số đơn vị nhỏ thực hiện mua, bán hoặc sữa chữa, tân trang container cũ để bán lại. Việc sản xuất container dễ dàng nhưng giá thành phụ thuộc vào quy mô và nguồn nguyên liệu. Nếu quy mô không đủ lớn thì không thể cạnh tranh được với các nhà sản xuất của Trung Quốc, một đơn vị cỡ nhỏ đã đạt công suất khoảng 1 triệu TEU/năm.
Vị này cho rằng Hòa Phát tham gia sản xuất vỏ container tận dụng được nguồn nguyên liệu tự làm ra là lợi thế. Song, rủi ro lớn là nhu cầu tăng cao hiện tại và dự báo chỉ kéo dài đến giữa năm 2021 trong khi Hòa Phát đến giữa năm 2022 mới ra sản phẩm. Về đầu ra, với quy mô sản xuất container của Hòa Phát thì buộc phải xuất khẩu chủ yếu bởi nhu cầu trong nước không lớn. Nếu doanh nghiệp xuất khẩu được tại chỗ cho các hãng tàu tại Việt Nam thì mới có thêm lợi thế do chi phí vận chuyển container từ Trung Quốc về Việt Nam khoảng 600 USD mỗi thùng rỗng trong khi trong nước chỉ 100 USD.
Mới đây, tờ The Economic Times (Ấn Độ) dẫn nguồn tin của Chính phủ Ấn Độ đang xem xét thiết lập các trung tâm sản xuất container ở trong nước, như là một phần của sáng kiến “Ấn Độ tự cường”. Ấn Độ cũng là đơn vị chủ yếu mua container hoặc thuê container từ các hãng tàu chở hàng hóa của Trung Quốc để phục vụ hoạt động xuất khẩu.