Thị trường chứng khoán ghi nhận sự hồi phục tích cực sau “cú sốc” thuế quan nhờ "đầu tàu" nhóm cổ phiếu “họ Vin”. Cùng với định giá rẻ và những tín hiệu tích cực cho sự trở lại của khối ngoại cho thấy thị trường đang ở điểm rất đẹp và có thể tăng giá tiếp.
VN-Index phiên 21/5 duy trì sắc xanh tích cực trong phần lớn thời gian giao dịch, chốt phiên tăng lên mức 1.323 điểm.
Phục hồi tích cực sau “cú sốc” thuế quan
Trước đó, trong phiên 20/5, thị trường chứng khoán (TTCK) đã có phiên tăng mạnh với “đầu tàu” là cổ phiếu nhóm Vingroup. VN-Index tăng gần 19 điểm, qua đó lấy lại những gì đã mất sau cú sốc thuế quan. Đáng chú ý, chỉ riêng 4 cổ phiếu VIC (Vingroup), VHM (Vinhomes), VRE (Vincom Retail) và VPL (Vinpearl) đóng góp đến gần 11 điểm.
Tính từ đầu năm, thị giá VIC đã tăng 125%, leo lên đỉnh 40 tháng. Cùng khoảng thời gian này, VHM đã tăng 57%, lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2023; VRE tăng hơn 47%, lên mức cao nhất từ tháng 3 năm ngoái. “Tân binh” VPL vừa mới chào sàn hồi trung tuần tháng 5 cũng đã nhanh chóng tăng gần 40%.

TTCK ghi nhận sự hồi phục tích cực sau “cú sốc” thuế quan nhờ đầu tàu nhóm cổ phiếu “họ Vin".
Việc cổ phiếu “họ Vin” gồng gánh VN-Index không còn xa lạ với nhà đầu tư thời gian qua. Hiện tại, tổng vốn hóa của Vingroup, Vinhomes, Vincom Retail và Vinpearl đã lên đến gần 850.000 tỷ đồng, chiếm 15% giá toàn sàn HoSE. Với tỷ trọng lớn, biến động của các cổ phiếu này có ảnh hưởng đáng kể đến chỉ số chính. Vì vậy, một số nhà đầu tư lo ngại khi nhóm này “hạ nhiệt”, thị trường có thể bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá dư địa tăng của thị trường vẫn còn nhiều.
Theo ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh số, Chứng khoán VPBank (VPBankS), đà tăng ấn tượng của VIC mới chỉ bắt đầu, và nhà đầu tư không nên nghĩ xu hướng này sớm dừng lại. Với VIC, khi nào cổ phiếu này mất đường MA50 thì mới có thể đạt đỉnh.
Đồng thời, chuyên gia từ VPBankS cũng đưa ra 2 kịch bản cho TTCK Việt Nam.
Kịch bản thứ nhất là thị trường sẽ tạm dừng đà tăng và chuyển sang xu hướng điều chỉnh. Tuy nhiên, ở kịch bản thứ hai, với mức tăng hiện tại mới chỉ khoảng 38%, thấp hơn đáng kể so với các chu kỳ “thị trường bò” trước đây thường ghi nhận mức tăng trên 100%, do đó, dư địa tăng vẫn còn khá lớn, ước tính ít nhất khoảng 70%. Mức này tương ứng VN-Index đạt 1.900 – 2.000 điểm.
Thậm chí còn lạc quan hơn, ông Petri Deryng - người đứng đầu Pyn Elite Fund, trong một báo cáo hồi đầu năm cho biết, mục tiêu dài hạn của quỹ đối với chỉ số vẫn không đổi ở mức 2.500 điểm. Mục tiêu này dựa trên mức tăng trưởng thu nhập mạnh mẽ trong khoảng thời gian từ 2 - 3 năm tới và định giá TTCK ở mức P/E 16.
Đồng quan điểm, báo cáo hồi đầu tháng 5 của SGI Capital đánh giá, sau 3 năm, nhiều doanh nghiệp niêm yết vẫn tăng trưởng lợi nhuận và liên tục tích lũy giá trị nội tại nhưng giá cổ phiếu đang giao dịch chưa phản ánh những thay đổi này, vì thế định giá P/E và đặc biệt là P/B hiện giảm về quanh mức rẻ lịch sử. Định giá thị trường đã rẻ đi rất nhiều so với các lần 1.200 điểm trong quá khứ.
SGI Capital chỉ rõ, trong đầu tư, định giá rẻ là điều kiện tiên quyết để đảm bảo rủi ro thấp và hiệu quả cao. Mốc ám ảnh 1.200 của VN-Index giờ đã trở thành ngưỡng hỗ trợ rất mạnh. So với nhiều kênh tài sản khác, chứng khoán đang trở lại thành kênh đầu tư có tương quan rủi ro/lợi nhuận hấp dẫn hơn.
Tín hiệu tích cực về dòng vốn ngoại
Một điểm đáng chú ý là khối ngoại đã mua ròng trở lại từ đầu tháng 5 (giá trị khoảng hơn 3.000 tỷ) sau giai đoạn bán ròng triền miên trước đó. Mặc dù còn quá sớm để khẳng định dòng vốn ngoại đã đảo chiều nhưng rõ ràng động thái của khối ngoại thời gian gần đây đang cho thấy những tín hiệu lạc quan, đặc biệt khi triển vọng nâng hạng ngày càng rõ ràng.
Ông Nguyễn Việt Đức cho rằng, TTCK Việt Nam đang ở điểm rất đẹp và có thể tăng giá tiếp. Bởi thứ nhất, định giá thị trường không đắt. Thứ hai, tăng trưởng lợi nhuận trong những quý vừa qua cũng không cao, không tạo ra xu hướng FOMO. Thứ ba, các yếu tố vĩ mô tiếp tục hỗ trợ cho nền kinh tế.
“Do đó, việc khối ngoại trở lại mua ròng là hợp lý. Nếu không trở lại thời điểm này, không rõ khi nào quay lại được”, vị chuyên gia nêu rõ.
Ông Trần Quốc Toàn, Giám đốc Chi nhánh 2 Hội sở, Chứng khoán Mirae Asset (MAS) kỳ vọng xu hướng mua ròng của khối ngoại sẽ tiếp diễn khi diễn biến thuế quan đối ứng hạ nhiệt, Việt Nam có một thỏa thuận thương mại hợp lý hơn với Mỹ, nền kinh tế Việt Nam duy trì sự tăng trưởng trội hơn các quốc gia khác trong khu vực cũng như TTCK được nâng hạng với định giá hấp dẫn.
Theo nhiều đánh giá, TTCK Việt Nam có thể được FTSE Russell ra thông báo chấp thuận nâng hạng vào tháng 9/2025 và MSCI xem xét đưa vào danh sách theo dõi tháng 6/2025. Việc phân loại lại MSCI sẽ mất nhiều thời gian hơn vì phụ thuộc vào việc đạt được một giải pháp bền vững và toàn diện liên quan đến giới hạn sở hữu nước ngoài trên TTCK.
Trong báo cáo hồi tháng 3, BSC Research cho biết, khối ngoại sẽ thực hiện hoạt động mua ròng từ 2-4 tháng trước khi FTSE ra thông báo chấp thuận nâng hạng (T0) cũng như thời gian bắt đầu quá trình chuyển đổi (T1). Đối với MSCI, khối ngoại hành động sớm hơn từ 4-5 tháng – do quy mô các quỹ tham chiếu theo bộ chỉ số và mức độ ảnh hưởng của MSCI lớn hơn FTSE Russell.
Mặt khác, về các thương vụ niêm yết mới, trong nhiều năm vừa qua, TTCK Việt Nam không có thương vụ IPO nào lớn, trong năm nay mới có trường hợp của VPL (Vinpearl). Gần đây, Sungroup cũng rục rịch đưa các báo cáo tài chính. Các chuyên gia kỳ vọng những tập đoàn lớn như Sungroup có thể lên sàn, giúp TTCK có thêm hàng hóa mới, thu hút nhà đầu tư quốc tế.
Các tập đoàn nhà nước có nhiều cơ hội để vay vốn cho những dự án lớn, trong khi doanh nghiệp tư nhân phải có vốn đối ứng (vốn chủ sở hữu). Khi lên sàn, doanh nghiệp tư nhân có thể tăng vốn chủ sở hữu và có nhiều cơ hội hơn để phát triển.
Trong những năm vừa qua, Nhà nước ngày càng quan tâm tới lĩnh vực kinh tế tư nhân. Từ đầu năm, Thủ tướng đã họp hai lần với 26 tập đoàn kinh tế tư nhân. Sau mỗi lần họp, nếu mua vào cổ phiếu của các tập đoàn này, nhà đầu tư đều thắng lớn. Chẳng hạn như cổ phiếu “họ Vin”, Gelex, SHB,... Những cổ phiếu này hiện đều tăng khoảng 50%.
“Những diễn biến này cho thấy TTCK rất nhạy. Bởi vậy, ngay khi có sự thay đổi về mặt thông tin, nhà đầu tư cần mua vào, còn nếu đợi đến khi được phản ánh trong kết quả kinh doanh thì đã là đỉnh. Do đó, cần chấp nhận rủi ro khi nhận định được xu thế mới: tập trung vào kinh tế tư nhân, nhiều dư địa tăng trưởng trong thời gian tới”, chuyên gia VPBankS nhấn mạnh.
Hải Giang_Link gốc