Nhu cầu vốn đầu tư khu công nghiệp của Kinh Bắc trong 2 năm 2020-2021 vào khoảng 7.500-9.500 tỷ đồng.
Doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng gia tăng quỹ đất ở Hưng Yên, Hải Dương, Long An, Vũng Tàu.
Kinh Bắc đề ra mục tiêu lãi năm 2021 đạt 2.000 tỷ đồng, gấp 6,7 lần năm trước.
Nhu cầu đầu tư của Kinh Bắc lên đến 9.500 tỷ đồng trong 2 năm.
“Khát” vốn cho các dự án khu công nghiệp, 2 năm đầu tư khoảng 9.500 tỷ đồng
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2021, lãnh đạo Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HoSE:
KBC) cho biết trong năm 2020 đã đầu tư trực tiếp vào các dự án khu công nghiệp khu đô thị số tiền 4.518 tỷ đồng, gấp 6,2 lần so với năm trước. Riêng dự án khu đô thị Tràng Cát, tổng công ty rót 3.503 tỷ đồng để hoàn thành nộp tiền sử dụng đất. Hải Phòng đã bàn giao hiện trạng đất trên thực địa để công ty làm các thủ tục triển khai, đầu tư xây dựng dự án. Ngoài ra, Kinh Bắc cũng đầu tư hơn 600 tỷ vào khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh và khu công nghiệp Quang Châu để xây dựng cơ cở hạ tầng, đền bù đất.
Doanh nghiệp lên kế hoạch thu xếp nguồn vốn khoảng 3.000 - 5.000 tỷ đồng trong năm 2021 thông qua vay tín dụng và phát hành trái phiếu để đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho dự án cũ, mới, bổ sung vốn lưu động.
Trong năm 2020, Kinh Bắc đã tăng cường nợ vay để đầu tư vào các dự án Tràng Cát, Quang Châu, Tràng Duệ... Cụ thể, doanh nghiệp tăng vay nợ ngắn hạn từ 804 tỷ lên 1.547 tỷ đồng, vay dài hạn từ 1.122 tỷ lên 4.218 tỷ đồng; riêng phát hành trái phiếu riêng lẻ và trái phiếu ra công chúng là 1.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu tăng từ 18% lên 54%, trong khi tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu tăng từ 58% lên 1,2.
Ngay đầu năm nay, tổng công ty đã triển khai phương án phát hành 400 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ và tối đa 1.500 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng. Cả 2 loại trái phiếu đều có kỳ hạn 24 tháng, lãi suất cố định 10,5-10,8%/năm, trả lãi 6 tháng/lần. Thời gian thực hiện trong quý I và II. Nguồn tiền thu được cho các công ty con vay như cho Công ty KCN Sài Gòn – Bắc Giang, công ty KCN Sài Gòn – Hải Phòng và Công ty Phát triển Đô thị Sài Gòn – Tây Bắc.
Đồng thời, HĐQT quyết định không chia cổ tức tiền mặt tối thiểu 10% cho năm 2019 như thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 để giữ lại tái đầu tư. Ban lãnh đạo lý giải cho biết dịch Covid-19 ảnh hưởng đến kế hoạch hoàn thiện thủ tục pháp lý các dự án, kế hoạch bàn giao đất cho khách hàng. Qua đó, dòng tiền của doanh nghiệp chỉ đảm bảo việc thanh toán các khoản nợ đến hạn, thực hiện nộp tiền sử dụng đất cho dự án khu công nghiệp Tràng Cát lên tới 3.500 tỷ đồng để hưởng lợi giá vốn cho dự án tương do năm 2021 giá tiền thuê đất dự kiến sẽ bị điều chỉnh tăng lên.
Mặt khác, HĐQT trình cổ đông thông qua ủy quyền cho HĐQT xây dựng phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ chi tiết, tăng vốn từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối tính đến cuối năm 2020.
Kế hoạch lợi nhuận 2.000 tỷ đồng, tiếp tục gia tăng quỹ đất
Ban Tổng giám đốc
KBC đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất năm 2021 ở mức 6.600 tỷ đồng, lãi sau thuế 2.000 tỷ đồng; lần lượt gấp 3 và 6,7 lần năm 2020.
Đơn vị: tỷ đồng
Báo cáo của Kinh Bắc cho biết 2 tháng đầu năm, các khu công nghiệp của đơn vị đã thu hút đầu tư đạt 1,23 tỷ USD (chiếm tỷ trọng hơn 50% của cả nước). Các dự án đầu tư vào hệ thống các khu công nghiệp của
KBC tiếp tục là những dự án công nghệ cao, trong đó có 3 dự án lớn.
Cụ thể, một dự án đặt tại khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang) sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay cho thương hiệu nổi tiếng thế giới, với quy mô hơn 8 triệu sản phẩm/năm, dự kiến dự án sẽ hoạt động vào quý III/2022. Một dự án công nghệ tế bào quang điện cũng đầu tư tại Quang Châu với mục tiêu sản xuất tấm tế bào quang điện, quy mô công suất 3,5 triệu GW/năm. Cuối cùng là dự án đầu tư mở rộng tăng vốn đầu tư thêm 750 triệu USD tại Tràng Duệ (Hải Phòng) của LG Display thuộc Tập đoàn LG, dự kiến, vào tháng 3/2021 sẽ bắt đầu triển khai dự án và đến tháng 5/2021 đưa vào sản xuất.
Ban lãnh đạo đánh giá trong xu hướng dịch chuyển đầu tư trên thế giới, Việt Nam đã trở thành ứng viên sáng giá, được quốc tế đánh giá là điểm đến hấp dẫn. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngay đầu năm 2021 đã có 300 doanh nghiệp từ các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có kế hoạch mở rộng đầu tư, đầu tư mới và nghiên cứu đầu tư vào Việt Nam.
Về mặt chính sách, Thủ tướng đã phê duyệt 19 khu kinh tế biển tổng diện tích 871.000 ha, Luật Đầu tư sửa đổi (2020) chính thức có hiệu lực cho phép Thủ tướng Chính phủ áp dụng các ưu đãi đặc biệt, chính sách hấp dẫn thu hút đầu tư.
Do vậy, chiến lược doanh nghiệp là thành lập các đại dự án ở Hưng Yên, Hải Dương, Long An, Vũng Tàu nhằm tạo quỹ đất. Song song đó, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động kinh doanh với các khu công nghiệp cũ như Nam Sơn Hạp Lĩnh, Quang Châu, Tân Phú Trung, Tràng Duệ, Phúc Ninh, khu đô thị Tràng Cát và Tràng Duệ 3.
Theo đó, ngay từ đầu năm, tổng công ty đã liên tiếp rót hàng nghìn tỷ đồng lập công ty con, đơn vị liên doanh ở Vũng Tàu, Long An, Hưng Yên, Hải Phòng. Theo đó, Kinh Bắc góp gần 750 tỷ đồng thành lập Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư Vũng Tàu vốn 1.000 tỷ đồng để phát triển dự án khu độ thị mới Nam Vũng Tàu diện tích 69,46 ha; thành lập Công ty Đầu tư Phát triển Long An vốn 1.500 tỷ đồng; góp 1.000 tỷ lập Tập đoàn đầu tư phát triển Hưng Yên; góp 540 tỷ vào liên doanh khu công nghiệp Sài Gòn – Hải Phòng.