- Sao Ta lên kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2021 cùng tăng gần 6% so với năm trước.
- Doanh nghiệp tái cấu trúc hình thành Khang An nhằm tận dụng thời cơ từ Covid-19 để đột phá hoạt động.
- Doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng thêm 100 ha nuôi tôm, tự chủ 25-30% nguyên liệu.
Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2021, Công ty Thực phẩm Sao Ta (Fimex, HoSE:
FMC) đặt ra kế hoạch sản lượng tôm chế biến đạt 21.000 tấn, tăng khoảng 5% so với năm trước. Sản lượng tiêu thu 18.500 tấn, tăng 5%; sản lượng nông sản chế biến và tiêu thụ 1.800 tấn.
Theo đó, HĐQT trình kế hoạch tổng doanh thu 4.650 tỷ đồng, lãi trước thuế 250 tỷ đồng; cùng tăng 5,7% so với năm trước. Cổ tức duy trì tỷ lệ 20-25%.
Đơn vị: tỷ đồng
Lãnh đạo Sao Ta đánh giá năm vừa qua dịch Covid-19 tác động chuỗi cung ứng và gây biến động lớn nhu cầu thị trường dịch vụ và bán lẻ, đồng thời làm thay đổi hành vi người tiêu dùng. Nguyên liệu thất thường do dịch bệnh vi bào tử trùng và phân trắng trên tôm nuôi. Tuy sản lượng tôm nuôi có tăng nhưng giá tôm tươi thương phẩm tăng khá mạnh khiến hoạch định kinh doanh bị tác động. EVFTA có hiệu lực 1/8/2020 là cơ hội lớn tăng trưởng tiêu thụ tôm ở thị trường này. Theo đó, tổng quan năm 2020 đầy thách thức nhưng tạo ra không ít cơ hội kinh doanh nếu biết tập trung nhận diện.
Chiến lược cho năm 2021, doanh nghiệp sẽ tái cấu trúc, hình thành một công ty thành viên nhằm tận dụng thời cơ từ Covid-19 để đột phá hoạt động. Cuối năm 2020, Sao Ta đã tách hoạt động nhà máy An San và STSF để hình thành một công ty thành viên Khang An (KAC). Sao Ta và Khang An đang xây dựng nhà máy mới trong khu công nghiệp An Nghiệp, dự kiến đi vào hoạt động đầu năm 2022.
Về vùng nuôi, Sao Ta tập trung giữ vững diện tích nuôi 270 ha, nỗ lực tăng thêm 100 ha nuôi tôm và phấn đấu tự chủ 25-30% nguyên liệu.
Năm 2020, hoạt động kinh doanh của Sao Ta gặp khó khăn do Covid-19, nhất là hệ thống tiêu thụ thực phẩm dịch vụ (nhà hàng, khách sạn, điểm vui chơi...) bị ảnh hưởng nhiều. Mặt khác, thu nhập người tiêu dùng cũng bị giảm sút, khiến giá cả tiêu thụ chỉ ở mức trung bình. Dù vậy, công ty đã hoàn thành chỉ tiêu về doanh số và lợi nhuận theo kế hoạch.
Cụ thể, doanh thu thuần đạt 4.415 tỷ đồng, tăng 19% so với năm trước và vượt 6% kế hoạch năm; lãi sau thuế 226 tỷ đồng, gần như đi ngang và hoàn thành 100% kế hoạch năm.
Kết quả kinh doanh 2020 của Sao Ta.
Lãnh đạo Sao Ta cho biết sản lượng tôm nuôi năm trước đạt trên 4.500 tấn nhưng hiệu quả không cao,
do tôm bị dịch bệnh tấn công, dẫn đến giá thành nuôi tôm tăng cao. Mảng nông sản cũng chỉ đạt khoảng 76% doanh số năm 2019, không góp phần tăng lợi nhuận chung cho công ty. Như vậy, lợi nhuận năm 2020 không tăng do hai mảng kinh doanh là nuôi tôm và chế biến nông sản không đạt như dự kiến dù mảng chế biến tôm có tăng trưởng.
Về cơ cấu thị trường trong năm có thay đổi, sản lượng chế biến Nobashi và tôm bột giảm do sự sụt giảm từ thị trường Nhật, EU. Sản lượng tôm tươi và luộc đều tăng do sự tăng trưởng từ thị trường Mỹ, vì sản lượng tôm Ấn Độ xuất vào Mỹ giảm.
Với kết quả đạt được, HĐQT trình chia cổ tức năm 2020 tỷ lệ 20% bằng tiền mặt, mỗi cổ phiếu nhận được 2.000 đồng.