VN-Index sẽ có xu hướng vận động quanh một “nền” giá cao hơn nhưng biên độ dao động của VN-Index sẽ vào khoảng 200-300 điểm.
Trong bối cảnh triển vọng chung của thị trường có nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực, nhà đầu tư sẽ đứng trước khá nhiều lựa chọn cổ phiếu tiềm năng trải rộng ở nhiều nhóm ngành khác nhau với quy mô vốn hóa đa dạng.
Tại báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam quý II, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, với việc triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có nhiều tín hiệu hồi phục tích cực và kỳ vọng lãi suất tiếp tục giữ ở mức thấp. VCBS điều chỉnh kịch bản dự báo về thị trường chứng khoán năm 2021 theo hướng tích cực hơn, trong đó, mức cao nhất trong năm 2021 của các chỉ số chính được dự báo tăng khoảng 20%-30% so với cuối năm 2020, tương ứng VN-Index sẽ ở mức khoảng 1.325 điểm đến 1.435 điểm.
Vẫn còn dư địa gia tăng mức định giá. Nguồn: VCBS.
VN-Index sẽ có xu hướng vận động quanh một “nền” giá cao hơn nhưng biên độ dao động (chênh lệch giữa mức cao nhất và mức thấp nhất trong năm) của VN-Index sẽ vào khoảng 200-300 điểm.
Khối lượng giao dịch trung bình trong năm 2021 tiếp tục cải thiện so với năm 2020, đạt bình quân khoảng 700-750 triệu cổ phiếu mỗi phiên trên cả ba sàn. Giá trị giao dịch bình quân phiên cũng được kỳ vọng đạt 18.000–20.000 tỷ đồng trên cả ba sàn.
Nhóm ngành tiềm năng trong năm 2021
Triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam được cho là sẽ duy trì ổn định. Trong đó, tăng trưởng kinh tế ở mức khả quan với các yếu tố lạm phát, tỷ giá đều được kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất thấp tại Việt Nam cũng như ở các nền kinh tế lớn khác trên thế giới sẽ tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư cổ phiếu và là động lực nâng đỡ đà tăng của thị trường chứng khoán trong dài hạn.
Trong bối cảnh triển vọng chung của thị trường có nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực, nhà đầu tư sẽ đứng trước khá nhiều lựa chọn cổ phiếu tiềm năng trải rộng ở nhiều nhóm ngành khác nhau với quy mô vốn hóa đa dạng. Tuy nhiên, VCBS vẫn muốn nhấn mạnh vào những nhóm ngành thiết yếu cho tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế như là một sự cân bằng giữa rủi ro đầu tư và lợi nhuận kỳ vọng.
Thứ nhất là các nhóm ngành sản xuất vật liệu xây dựng cơ bản (xi măng, thép, gỗ, đá); sản xuất sản phẩm nông nghiệp và điện (cả truyền tải điện và sản xuất điện). Đây cũng là các nhóm ngành được hưởng lợi từ hoạt động đẩy mạnh đầu tư công của chính phủ thông qua các dự án xây dựng mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng hiện tại của Việt Nam cũng như sự hồi phục chung của tổng cầu nền kinh tế nội địa.
Thứ hai là các doanh nghiệp cảng biển - logistics cung cấp dịch vụ phụ trợ cho dòng chảy thương mại giữa Việt Nam và các đối tác khác, theo đó cũng góp phần hỗ trợ cho hoạt động chuyển dịch hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia có chi phí nhân công cạnh tranh hơn như Việt Nam.
VCBS cũng muốn nhấn mạnh thêm các cơ hội riêng lẻ cũng đến từ các doanh nghiệp có yếu tố ứng dụng công nghệ mới. Quá trình ứng dụng công nghệ tiên tiến hơn vào sản xuất kinh doanh và “số hóa” trong nền kinh tế Việt Nam là tất yếu và không thể đảo ngược. Do đó, cho dù mọi quá trình thay đổi từ cũ sang mới luôn luôn mang lại rủi ro nhưng tiềm năng của sự tăng trưởng năng suất, kết quả kinh doanh và hiệu quả đầu tư mà việc ứng dụng công nghệ mới mang lại vẫn vượt trội hơn nhiều so với các rủi ro trong giai đoạn chuyển đổi.
Và cuối cùng là các doanh nghiệp riêng lẻ có “câu chuyện riêng” liên quan đến tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài, mua bán sáp nhập, niêm yết mới và chuyển sàn…