Doanh nghiệp triển khai dự án Fintech, kỳ vọng đưa nợ về 0 nếu thành công.
Lãnh đạo CII cho biết dòng tiền từ quý III trở đi sẽ thuận lợi do đầu tư không nhiều và nguồn thu lớn.
Doanh nghiệp đang theo đuổi dự án đường trên cao tại TP HCM tổng đầu tư khoảng 39.000 tỷ đồng.
Kế hoạch lãi 2021 tăng 25%, xúc tiến thoái vốn Sài Gòn Water
Sáng ngày 23/4, tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên, ông Lê Vũ Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (HoSE:
CII), trình kế hoạch sản xuất kinh doanh 2021 gồm doanh thu 6.700 tỷ đồng, gần như đi ngang; lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ (trước lợi thế thương mại) 615 tỷ đồng, tăng 25%. EPS thực đạt khoảng 2.570 đồng/cp. Tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2021 dự kiến 12%.
Lãnh đạo
CII cho biết đơn vị bước vào năm 2021 với nhiều yếu tố thuận lợi như dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đạt gần 80% khối lượng công việc là cơ sở quan trọng để đưa dự án vào vận hành và thu phí trong năm 2021; dự án BOT mở rộng xa lộ Hà Nội đã thu phí từ 1/4; các dự án phát triển BĐS của công ty đã hoàn thành các hồ sơ pháp lý cần thiết và đi vào xây dựng khai thác.
Cụ thể, dự án Thủ Thiêm D’Vernano (lô 3.2) đã hoàn thành xây dựng phần thô và cất nóc vào tháng 11/2020, kỳ vọng hoàn thiện và bàn giao vào quý II. Dự án 152 Điện Biên Phủ đã hoàn thành xây dựng 100% và đang triển khai vận hành đối khối văn phòng. Dự án cũng được cất nóc khối căn hộ vào cuối năm trước và kỳ vọng cuối năm nay có thể bàn giao. Dự án NBB Sơn Tịnh – Quảng Ngãi tính đến cuối năm 2020 hơn 91% diện tích đất đã được đền bù và giải phóng mặt bằng. Dự án NBB De Lagi đã hoàn thành việc xin giấy phép xây dựng và các hồ sơ pháp lý quan trọng trong năm 2020.
Với mảng nước, doanh nghiệp đã chi hơn 2.000 tỷ đồng để đầu tư đường ống nước và gắn 85.000 đồng hồ nước cho hệ thống truyền tải nước sạch ở huyện Củ Chi nhưng đến nay công suất sử dụng mới đạt 30%. Dự án nước Củ Chi sau 3 năm vận hành chưa đạt điểm hòa vốn. Nguyên nhân là do các hộ dân và khu công nghiệp vẫn sử dụng nước ngầm và chưa có thói quen dùng nước sạch.
Tuy nhiên, lãnh đạo
CII cho biết từ tháng 1 năm nay, Ủy ban nhân dân TP HCM đã ban hành quyết định quy định vùng cấp nước. Đây là cơ sở để Sài Gòn Water (HoSE: SII) – công ty con
CII thương thảo, bán nước sạch cho các khu công nghiệp trong khu vực. Qua đó, dự án được kỳ vọng bắt đầu có hiệu quả tài chính trong các năm tới.
Bổ sung thêm, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc cho biết đang đàm phán với nước ngoài để thoái vốn khỏi Sài Gòn Water. “Tính đến thời điểm hiện tại chưa thể nói gì nhưng kỳ vọng hoàn thiện trong năm nay”.
Đại hội CII sáng ngày 23/4. Ảnh: M.H
Tài sản tăng mạnh, dòng tiền dương từ 2022
Nhìn lại năm 2020, doanh nghiệp ghi nhận 6.780 tỷ đồng doanh thu (bao gồm doanh thu thuần, tài chính và khác), tăng 94% so với năm 2019; lãi thuộc về cổ đông công ty mẹ (trước lợi thế thương mại) là 493 tỷ đồng, tăng 28%; lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ 254 tỷ đồng, tăng 73%. Với kết quả này, HĐQT trình chia cổ tức tỷ lệ 12% bằng tiền mặt.
Dù vậy, doanh nghiệp chưa hoàn thành kế hoạch. Vị CEO lý giải do tình hình pháp lý cực kỳ bế tắc, điều đó dẫn đến hoạt động kinh doanh bị đình trệ.
Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 29.547 tỷ đồng, tương đương năm trước. Doanh nghiệp dự kiến cuối năm 2021 đầu năm 2022, sau khi hợp nhất dự án Trung Lương – Mỹ Thuận thì tổng tài sản sẽ tăng thêm khoảng 11.000 tỷ đồng, tương đương tổng mức đầu tư (không bao gồm VAT).
Doanh tiền hoạt động kinh doanh của
CII năm 2020 bị âm gần 1.400 tỷ đồng. Theo ông Bình, giai đoạn 2019-2021 là giai đoạn tập trung tích lũy tài sản khiến dòng tiền âm.
“
CII từ năm 2016 không phát hành tăng vốn nhưng thực hiện được nhiều dự án, điều đó khiến doanh nghiệp phải phát hành trái phiếu, dòng tiền âm. Từ năm 2022 trở đi, sau khi tích lũy xong tài sản, dòng tiền
CII sẽ dương trở lại”, ông Bình khẳng định.
Triển khai sản phẩm tài chính trên nền tảng Fintech mục tiêu huy động 20.000 tỷ đồng
Năm 2021, doanh nghiệp dự kiến phát hành 1.600 tỷ đồng trái phiếu kèm chứng quyền để huy động vốn cho dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, khu dân cư Sơn Tịnh…
Với các dự án BOT đã đi vào vận hành và có doanh thu ổn định, doanh nghiệp sẽ sử dụng các sản phảm tài chính một cách linh hoạt để tái cấu trúc dòng tiền tương lai và thu hồi vốn đầu tư các dự án. Việc này kỳ vọng giúp đơn vị rút ngắn thời gian đầu tư, gia tăng tỷ suất lợi nhuận và có vốn đầu tư các dự án BOT khác.
Cùng với đó,
CII đang làm việc với các tổ chức tài chính lớn trong nước để nghiên cứu phát triển các sản phẩm đầu tư tài chính an toàn trên nền tảng Fintech. Ban lãnh đạo cho biết đây là sản phẩm tài chính có quy mô lớn hơn sản phẩm tái cấu trúc dòng tiền mà đơn vị đã từng làm. Thông qua sản phẩm này,
CII đặt mục tiêu thực hiện các gói trái phiếu lên đến 20.000 tỷ đồng dựa trên nguồn trả nợ là dòng doanh thu từ các dự án BOT hiện hữu đã đi vào vận hành thu phí.
Ngoài ra, doanh nghiệp đang nghiên cứu các dự án BOT có tổng mức đầu tư lên đến hơn 40.000 tỷ đồng.
Tại đại hội, ông Bình cho biết doanh nghiệp đang nghiên cứu đự án đường trên cao nối từ Trường Chinh đi qua Cộng Hòa, Lăng Cha Cả về quận 5, 10, 7 và Nhà Bè, có thể nói là đường Bắc – Nam của TP HCM. Do vậy dự án quy mô lớn, tổng mức đầu tư khoảng 39.000 tỷ đồng, giải tỏa đến khoảng 4.000 - 5.000 hộ dân. Doanh nghiệp dự tính đường trên không xuyên qua các tòa nhà cao tốc.
CII mới đề xuất với TP HCM, nghiên cứu tính khả thi và các sở, ngành đánh giá rất cao ý tưởng này. Dù vậy, có nhiều vấn đề cần lưu ý trong xây dựng dự án, trong đó có yếu tố phải đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy.
Phần Thảo luận: Ông Lê Quốc Bình đại diện trả lời cổ đông
- Tình hình từ 2022 trở đi của doanh nghiệp ra sao?
- Từ giữa quý III dòng tiền
CII khởi sắc nhiều, với Trung Lương – Mỹ Thuận đầu tư thêm khoảng 300 tỷ đồng, các dự án khác đã đầu tư xong. Trong khi nguồn thu từ dự án BĐS như Thủ Thiêm, Sơn Tịnh, Lagi, NBB 2 và 3, thu phí xa lộ Hà Nội, Trung Lương – Mỹ Thuận.
Thời gian tới,
CII tập trung đưa Trung Lương – Mỹ Thuận vào khai thác và đẩy mạnh các dự án BĐS hiện tại. Ngoài ra,
CII nghiên cứu một dự án BOT tổng đầu tư 6.000 tỷ và đường trên cao 39.000 tỷ đồng.
- Xin chia sẻ rõ hơn về sản phẩm Fintech mà CII định triển khai?
- Hiện nay, việc sử dụng smartphone rất phổ biến, tiền gửi kỳ hạn của người dân và doanh nghiệp trong ngân hàng lớn.
CII muốn tạo ra một công cụ Fintech để người dân được đầu tư trực tiếp vào dự án BOT thông qua smartphone.
CII đang làm việc với 4 ngân hàng có tên tuổi và 15 đơn vị khác gồm công ty chứng khoán, ví điện tử để thực hiện. Bản thân
CII sẽ thành lập một công ty Fintech, sản phẩm đầu tiên là trái phiếu cho xa lộ Hà Nội. Tổng số tiền mà
CII kỳ vọng thu được từ các sản phẩm trái phiếu đang xây dựng (4 sản phẩm) là 11.000 tỷ đồng.
Nếu làm xong sản phẩm Fintech nợ
CII sẽ về 0.
- Chia sẻ về vấn đề chia cổ tức 2020?
-
CII muốn chia cổ tức do dự án Thủ Thiêm về đích trong năm nay sẽ có dòng tiền. Tuy nhiên, dòng tiền về muộn,
CII phải phát hành trái phiếu khiến chỉ số nợ tăng cao vào cuối năm 2020 nên các trái chủ buộc tạm dừng trả cổ tức. Việc đàm phán với các đối tác nước ngoài tương đối khó khăn nên chưa thể nói khi nào có thể chốt quyền chia cổ tức được.
- Chia sẽ rõ hơn về kế hoạch phát hành trái phiếu 1.600 tỷ đồng?
- Trái phiếu lãi suất 11%/năm, giá chuyển đổi 26.000 đồng/cp. Doanh nghiệp phát hành ra công chúng do đợt trước phát hành cho cổ đông hiện hữu giá chuyển đổi khoảng 21.000 mà cổ đông không mua.
- Chiến lược kinh doanh 2021-2022 tập trung vào dự án nào?
- Bên cạnh các dự án BĐS thì doanh nghiệp tập trung dự án BOT Trung Lương – Mỹ Thuận và Fintech.
- Trung Lương – Mỹ Thuận khi nào thu phí?
- Khoảng tháng 11 năm nay.
- Kiến nghị dùng lợi nhuận chia hết cổ tức cho cổ đông?
- Theo luật, để chia cổ tức phải trên cơ sở đảm bảo các nghĩa vụ nợ. Đồng thời, doanh nghiệp phải tích lũy tiền cho đầu tư. Nếu ai đảm bảo hết các điều này vừa chia hết cổ tức tiền mặt thì mời vào ban điều hành làm thay tôi. Do vậy, tôi với tư cách cổ đông đề nghị giữ nguyên phương án chia cổ tức HĐQT trình.
- Dự án xa lộ Hà Nội giai đoạn 2 khi nào triển khai?
- Dự án này đang tắc ở phần đất Bình Dương, TP HCM và tỉnh Bình Dương chưa thống nhất về giải tỏa. Do vậy,
CII cứ thu phí giai đoạn 1, khi nào thống nhất được thì đầu tư tiếp.
- Doanh thu lợi nhuận 5 năm tới?
- Tôi không thể nói con số cụ thể nhưng một số yếu tố ảnh hưởng như riêng dự án Sơn Tịnh và Lagi mua đất từ 2007-2008, quy mô 250 ha và hiện nay mới được đưa vào khai thác. Fintech nếu thực hiện thành công thì mỗi năm có 1.200 tỷ đồng lợi nhuận. Ngành nước tiến hành thoái vốn.