• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,55 +0,44/+0,04%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,55   +0,44/+0,04%  |   HNX-INDEX   221,69   -0,79/-0,35%  |   UPCOM-INDEX   92,80   -0,31/-0,33%  |   VN30   1.316,95   +3,47/+0,26%  |   HNX30   460,25   -1,94/-0,42%
20 Tháng Giêng 2025 7:06:50 CH - Mở cửa
TMS: Họp ĐHCĐ Transimex - Miễn chào mua công khai cho nhóm cổ đông liên quan tới Chủ tịch
Nguồn tin: Người đồng hành | 29/04/2021 3:41:03 CH
Chủ tịch HĐQT Bùi Tuấn Ngọc khẳng định công ty có mong muốn xây dựng tầm nhìn dài hạn nhưng bị vướng bởi quy hoạch và dòng tiền.
Công ty đặt mục tiêu doanh thu giảm 3% nhưng chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế lại tăng 20% trong năm 2021.
Transimex tiếp tục triển khai phương án phát hành riêng lẻ tối đa 15% vốn và chào bán 200 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi.
 
Sáng ngày 29/4, công ty Transimex (HoSE: TMS) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021.

 
Phiên họp cổ đông thường niên 2021 của Transimex. Ảnh: Huy Lê.
 
Bổ sung tờ trình miễn chào mua công khai
 
HĐQT mới bổ sung tờ trình số 12 chỉ một ngày trước khi diễn ra đại hội là việc miễn chào mua công khai cổ phiếu TMS cho nhóm cổ đông Đầu tư Vina (hiện nắm giữ 7%), Đầu tư và Thương mại Thiên Hải (4,3%), thành viên HĐQT Bùi Minh Tuấn (15,92%) và các bên liên quan khi vượt quá các mức 25%, 35%, 45%, 55%, 65%, 75% số cổ phiếu có quyền biểu quyết. Đây là nhóm cổ đông có liên quan tới Chủ tịch HĐQT Bùi Tuấn Ngọc.
 
Đại diện cổ đông Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cho rằng tờ trình số 12 được đưa ra trong thời gian quá gấp, cổ đông không đủ thời gian xem xét, đặc biệt là đối với cổ đông nhà nước. Do đó cổ đông này không tán thành bổ sung nội dung này vào chương trình. 
 
Đại diện nhóm cổ đông muốn miễn chào mua công khai cho biết đã gửi văn bản đề nghị nội dung này đến HĐQT từ 3 ngày trước và thực hiện đúng thủ tục quy định. Giám đốc tài chính Transimex Lê Văn Hùng khẳng định nội dung miễn chào mua công khai phù hợp với quy định của luật pháp và có thể được biểu quyết để thông qua tại Đại hội. Nội dung này được bổ sung khi tỷ lệ biểu quyết tán thành trên 96%.
 
Tiến độ các dự án và hoạt động các đơn vị thành viên
 
Trả lời thắc mắc cổ đông về tiềm năng các dự án và hoạt động các công ty thành viên, Chủ tịch HĐQT Bùi Tuấn Ngọc cho biết Transimex hưởng lợi và giúp các công ty thành viên tốt lên như Vinafreight được sự hỗ trợ về bán hàng và sử dụng chung hạ tầng. Công ty VNT có lợi thế nằm ở cuối sông Cấm. Công ty Cholimex có giá gốc đầu tư chỉ 10.200 đồng/cp trong khi thị giá hiện trên 17.000 đồng/cp và có đất vàng để xây cao ốc, quỹ đất tại KCN Vĩnh Lộc có cơ hội lớn trong tương lai...
 
Tuy nhiên, công ty cũng gặp một số vướng mắc nhu tại dự án Trung tâm Logistics Vĩnh Lộc quy mô 6 ha mới chỉ động thổ và còn vướng ở việc xin ý kiến quy hoạch. Đây là dự án logistics đầu tiên đòi hỏi chiều cao lên đến 35-40m nên đang xin phê duyệt quy hoạch.
 
Dự án tại Vĩnh Lộc nằm trên địa bàn của 3 huyện và sự giám sát của nhiều cơ quan nhà nước. Quỹ đất cũng là vấn đề khi công ty chỉ mới được bàn giao một nửa diện tích bởi TCT Điện lực HCM phải cần thời gian di chuyển. Dự án Vĩnh Lộc chậm trễ khiến công ty vỡ kế hoạch một phần, buộc phải di chuyển hàng hóa của một số khách hàng lớn đến các kho khác. Ông Ngọc kỳ vọng 3 tháng tới Transimex sẽ được bắt tay làm dự án.
 
Đối với Nippon Express Việt Nam, liên doanh này sẽ hết hạn vào tháng 7 và đối tác ngoại mong muốn gia hạn 1 năm. Hiện 2 bên đều sở hữu 50% cổ phần, do vậy việc duy trì liên doanh cần phải đàm phán. Công ty giao người đại diện phần vốn bám sát, chiến đấu để bảo vệ quyền lợi cổ đông.
 
Đối với Mipec, đây là công ty tiềm năng, đang hoàn thiện cảng và bắt đầu khai thác với tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng. Dự án mặc dù có quy mô lớn hơn cảng Hải A và cảng Đình Vũ nhưng nhỏ hơn Lạch Huyện...
 
Tầm nhìn 5 năm
 
Ông Bùi Tuấn Ngọc nói rằng tầm nhìn có thể có nhưng cơ hội cũng rất khó khăn. Ông dẫn ví dụ có nhiều tập đoàn lớn với nguồn lực tài chính mạnh đã xin quy hoạch dự án đến cả ngàn ha, tác động đến quy hoạch logistics, trong khi Transimex chưa thể tác động lớn như vậy.
 
Chủ tịch Transimex cho biết dù là đơn vị lớn trong ngành logistics nhưng công ty thực sự "không đủ lớn" để đi xin quy hoạch hay dám chấp nhận đi vay quốc tế. Bản thân ông cũng không dám đi vay đến vài nghìn tỷ đồng để đầu tư lớn.
 
"Tầm nhìn là có mong muốn nhưng bị giới hạn về quy hoạch của Chính phủ. Mong muốn và tầm nhìn bị trói buộc bởi các chỉ tiêu quy hoạch và phân vùng quy hoạch, chúng tôi có thể xin quy hoạch nhưng có thể mất đến 1-2 năm để xin. Ngoài ra dòng tiền cũng đang vướng bởi cần sự đồng thuận ý chí của các cổ đông để huy động đủ nguồn lực đầu tư", ông Ngọc nói về khó khăn để xây dựng tầm nhìn dài hạn.

 
Chủ tịch HĐQT Bùi Tuấn Ngọc (cầm mic) và Tổng giám đốc Lê Duy Hiệp trả lời chất vấn của các cổ đông. Ảnh: Huy Lê.
 
Kế hoạch lợi nhuận tăng 20%
 
Năm 2021, công ty đặt mục tiêu doanh thu giảm nhẹ 3% về mức 3.315 tỷ đồng. Tuy nhiên chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 425 tỷ đồng, tăng 20%. Chính sách cổ tức duy trì ở mức 20%.
 
Nói về điều này, ông Bùi Tuấn Ngọc cho biết một số ngành vẫn được hưởng lợi dù năm 2020 nền kinh tế chịu thiệt hại năng bởi Covid-19, trong đó có ngành logistics với doanh số rất lớn. Tuy nhiên vị lãnh đạo nhận định xu thế này có tiếp diễn trong năm 2021 vẫn chưa chắc chắn và công ty không dám dự báo, do đó không đặt kế hoạch doanh thu quá lạc quan.
 
Ông Ngọc cho biết thêm dù kết quả kinh doanh quý I lạc quan nhưng vẫn chưa đưa vào kế hoạch 2021 do không dám chắc kết quả được giữ vững đến cuối năm. Một số đơn vị thành viên có doanh thu tốt và thậm chí đạt kỷ lục trong quý vừa qua như logistic hàng không và hàng container. Ông nhắc lại năm ngoái đã đưa kế hoạch thận trọng và thực tế diễn ra đúng.
 
Tại đại hội, công ty cũng thông báo ước kết quả kinh doanh quý I với doanh thu cao gấp đôi cùng kỳ đạt 1.080 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 115 tỷ đồng, tăng 77% so với quý I/2020.
 
Trong năm 2021, Transimex  tiếp tục chiến lược phát triển logistics xanh và hoàn thiện chuỗi cung ứng dịch vụ logistics trên phạm vi cả nước. Công ty cũng bổ sung một số ngành nghề cho phù hợp với định hướng mở rộng cung cấp dịch vụ dây chuyền cắt thịt đông lạnh tại kho lạnh trung tâm kho cảng ICD, mở rộng hoạt động lưu trữ, bảo quản và phân phối hàng hóa là dược phẩm.
 
Ông Lê Duy Hiệp - Tổng giám đốc Transimex và Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam - khẳng định công ty tập trung phát triển dịch vụ logistics tổng thể và xanh, bởi xu thế của thế giới là sử dụng năng lượng tái tạo. Transimex đã đưa 2 dự án điện mặt trời áp mái vào hoạt động tại nhà máy tại Khu công nghệ cao (Q9, TP CM) và trung tâm ICD Transimex. Công ty có kế hoạch ắp điện mặt trời ở tất cả các kho có mái như tại Hưng Yên, Đà Nẵng, KCN Vĩnh Lộc… điều này mang lại hiệu quả bởi vừa bảo vệ môi trường và vừa tiết kiệm.
 
"Chúng tôi loại bỏ dần các phương tiện sử dụng động cơ diesel và chuyển sang sử dụng điện. Hiện xe sử dụng năng lượng điện chiếm tỷ lệ khoảng hiện 80%, còn xe sử dụng dầu diesel rất hạn chế", ông Hiệp nói thêm.
 
Tiếp tục phương án phát hành riêng lẻ
 
Tại kỳ đại hội năm 2020, cổ đông đã thông qua phương án chào bán riêng lẻ tối đa 15% số cổ phiếu đang lưu hành. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc tiếp xúc với các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài có phần hạn chế. Dù vậy, ban lãnh đạo công ty cho rằng phương án phát hành riêng lẻ vẫn khả thi và là kênh tiềm năng để huy động vốn cho các kế hoạch đầu tư.
 
Do đó HĐQT trình cổ đông tiếp tục thực hiện phương án chào bán riêng lẻ trong năm 2021 và 2022. Cùng với đó, doanh nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện chào bán 200 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông hiện hữu, tiến hành chào bán trong 1 đợt thay cho 2 đợt theo phương án trước đó.
 
Bất chấp dịch Covid-19, năm 2020 công ty vẫn ghi nhận tổng doanh thu 3.418 tỷ đồng, tăng 46% và vượt 50% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế 354 tỷ đồng, tăng 38% so với năm trước và thực hiện 96% kế hoạch năm.
 
Với kết quả đạt được, HĐQT trình phương án chia cổ tức năm 2020 tỷ lệ 20% vốn điều lệ. Trong đó công ty sẽ chia 5% tiền mặt, tương ứng với số tiền 41 tỷ đồng và 15% cổ phiếu, tương ứng phát hành hơn 12,2 triệu đơn vị.
 
Đại hội kết thúc với việc thông qua tất cả các tờ trình.