Những tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Nga dù còn khiêm tốn nhưng mức tăng trưởng đột biến là một gợi ý cho doanh nghiệp muốn chuyển hướng thị trường.
Ảnh minh họa.
Theo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, tháng 3/2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 170 nghìn tấn, trị giá 685 triệu USD, tăng 7,94% về lượng và tăng 8,9% về trị giá so với cùng kỳ 2020.
Tính chung quý 1/2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 422,3 nghìn tấn, trị giá 1,687 tỷ USD, tăng 4,77% về lượng và tăng 3,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Khối CPTPP chiếm 34,26% tổng giá trị xuất khẩu tôm
Tháng 2/2021, tôm là mặt hàng thủy sản xuất khẩu lớn nhất về kim ngạch và lớn thứ 2 về lượng, đạt 17,1 nghìn tấn, trị giá 155,99 triệu USD, giảm 18,3% về lượng và giảm 19,3% về trị giá so với tháng 2/2020.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu tôm các loại đạt 42,4 nghìn tấn, trị giá 376 triệu USD, tăng 0,1% về lượng, nhưng giảm 1,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, khối thị trường CPTPP vẫn dẫn đầu, chiếm 34,26% tổng xuất khẩu tôm.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 2/2021, tổng giá trị xuất khẩu tôm sang khối thị trường CPTPP đạt 128,8 triệu USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu sang Nhật Bản giảm 7,1% nhưng xuất khẩu sang Australia tăng mạnh tới gần 51%; sang Canada tăng 1,5% và Singapore tăng gần 3% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2020, do ảnh hưởng của Covid-19, nhập khẩu tôm của Nhật Bản giảm mạnh, đặc biệt là sản phẩm tôm sú. Giá trị nhập khẩu tôm của Nhật Bản từ 3 nguồn cung lớn nhất là: Thái Lan, Việt Nam và Indonesia cũng giảm hoặc chững lại.
Điều này cũng tác động một phần không nhỏ lên nhập khẩu tôm trong 3 tháng đầu năm nay. Mặc dù Chính phủ Nhật Bản đã chú trọng sử dụng “liều thuốc hồi sức” để giúp các doanh nghiệp như các cơ sở kinh doanh đồ ăn uống, cơ sở liên kết cung cấp hàng hóa trung gian như các HTX nông, ngư nghiệp… đứng vững sau căng thẳng do Covid nhưng lượng hàng tồn nhập khẩu mới được giải phóng.
Nguồn cung sẽ thiếu hụt tác động lên giá nhập khẩu tôm ở Mỹ, EU
Hai tháng đầu năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 73 triệu USD, giảm 1,4% và sang EU đạt 52,3 triệu USD, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đầu năm nay, giá tôm toàn cầu giảm cũng là một nguyên nhân khiến giá trị xuất khẩu sang Mỹ và EU giảm.
Theo đánh giá của nhiều nhà nhập khẩu tôm lớn, nhu cầu sản phẩm tôm chế biến ở các nhà hàng Mỹ đã bắt đầu tăng trở lại, do đó nhiều nhà xuất khẩu tôm chế biến Ấn Độ và Indonesia đã bắt đầu tranh thủ thời cơ đẩy mạnh sản phẩm này sang Mỹ. Tôm đông lạnh Việt Nam cũng đang cạnh tranh tốt tại thị trường này.
Tuy nhiên, sau khi ngành dịch vụ hồi sinh trở lại ở Mỹ và EU, dự báo kênh tiêu thụ bán lẻ sẽ giảm, có thể trong thời gian tới nguồn cung nhiều mặt hàng tôm tại Mỹ, EU hay Anh sẽ thiếu hụt và tác động lên giá nhập khẩu tôm sẽ tăng lên.
Đột biến thị trường Nga
Hai tháng đầu năm nay, Nga là thị trường đang gây chú ý khi giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam sang đây tăng 107,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 5,3 triệu USD. Mặc dù so với các thị trường xuất khẩu lớn khác thì giá trị này vẫn còn khiêm tốn, nhưng mức tăng trưởng khả quan đột phá này cũng là một gợi ý cho các doanh nghiệp muốn chuyển hướng thị trường.
Có thể thấy rằng, hai tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam sang nhiều thị trường lớn giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên khi phân tích nhu cầu và tình hình kinh tế của các thị trường lớn đang phục hồi, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm hoàn toàn có thể tin rằng, xuất khẩu tôm Việt Nam trong thời gian tới sẽ tăng trưởng dương trở lại.
Theo đánh giá của Globefish, ba tháng đầu năm 2021, giá tôm thế giới giảm theo giá tôm của một số nguồn cung. Theo đó, nhu cầu từ khách sạn, nhà hàng và khu vực dịch vụ ăn uống (Horeca) tăng, đặc biệt nhu cầu bán lẻ tôm tươi và đông lạnh cũng tăng trên toàn thế giới. Đây cũng là tín hiệu hy vọng cho xuất khẩu Việt Nam trong thời gian tới.
Nguồn VASEP