Theo phương án ESOP, các cổ phiếu phát hành sắp tới (dự kiến trong năm 2021) không tham gia vào vốn góp cho công ty để tạo lợi nhuận cho năm 2020 những vẫn được chia cổ tức.
CTCP Gỗ Đức Thành (mã
GDT) mới công bố biên bản ĐHĐCĐ thường niên năm 2021. Theo đó, ĐHCĐ đã thông qua nội dung đáng chú ý liên quan đến phương án phát hành ESOP, Ban lãnh đạo
GDT đề xuất phương án chia cổ tức tiền mặt năm 2020 sau khi đã phát hành cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên.
Đề xuất khá “lạ” này đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ phía cổ đông. Thậm chí, một cổ đông đã gửi mail thắc mắc với quan điểm cho rằng các cổ phiếu ESOP phát hành sắp tới (trong năm 2021) không tham gia vào vốn góp cho công ty để tạo lợi nhuận cho năm 2020 vẫn được chia lợi nhuận. Liệu có công bằng với những cổ đông cũ, góp vốn giúp tạo ra lợi nhuận cho năm 2020?
Cũng theo cổ đông này, những cổ đông được ESOP đã được lợi khi mua với giá thấp hơn thị giá, giờ lại được chia phần lợi nhuận được tạo ra trước khi họ góp vốn là rất bất hợp lý.
Theo phương án, giá phát hành ESOP ở mức 10.000 đồng/cổ phiếu cũng thấp hơn nhiều so với thị giá của cổ phiếu
GDT hiện tại là 51.000 đồng/cổ phiếu. Với tỷ lệ ESOP 5% (khoảng 850.000 cổ phiếu), cán bộ nhân viên công ty chỉ phải chi ra khoảng 8,5 tỷ đồng để sở hữu lượng cổ phiếu có giá trị thị trường lên đến gần 44 tỷ đồng, tương đương mức chiết khấu lên đến 80%.
Tại Đại hội, Chủ tịch HĐQT Lê Hải Liễu đã lý giải cho quyết định được đưa ra là nhằm ghi nhận những đóng góp của người lao động và chia sẻ một phần lợi ích với họ, dù biết rằng điều này là “khác biệt”.
Bà Liễu cho biết “Tôi và gia đình là người nắm cổ phần nhiều nhất, sở hữu trên 50% tại
GDT. Mọi quyết định đưa ra nếu thiệt hại thì tôi và gia đình là người chịu thiệt nhiều nhất. Nhưng tại sao tôi vẫn làm?… Bởi vì tôi lăn xả với anh em và hiểu rằng họ cực khổ thế nào và nên được đền đáp. Tôi không chủ trương trả lương quá cao cho người lao động mặc dù biết rõ nếu làm việc này sẽ dễ dàng hơn rất nhiều cho tôi và các thành viên trong Ban điều hành vì chỉ cần chấp nhận cắt giảm lợi nhuận”.
“Tỷ lệ ESOP chiếm không quá nhiều và chỉ chiếm 5%. Một chút này chúng ta hãy nhường nhịn cho nhau để rồi có thêm trong tương lai. Tôi tin chắc chắn tương lai này sẽ có ngay trong năm 2021 này” bà Liễu nói thêm.
Trên thực tế, tỷ lệ ESOP 5% theo như phương án của
GDT không hẳn chỉ là “một chút” nếu so sánh với con số khoảng 2-3% mà nhiều doanh nghiệp có thói quen ESOP nổi tiếng trên sàn vẫn thường thực hiện như MWG, SSI,...
Bên cạnh phương án ESOP,
GDT cũng có kế hoạch chào bán riêng lẻ cho các nhà cung cấp và đối tác có quan hệ làm ăn lâu năm của công ty với tỷ lệ 5%. ĐHĐCĐ đã chốt giá bán ưu đãi trong đợt phát hành riêng lẻ là 20.000 đồng/cổ phiếu và các cổ phiếu ưu đãi sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 5 năm sau ngày phát hành.
Lãnh đạo
GDT cho biết các nhà cung cấp đã luôn ưu tiên về mức giá, thời gian giao hàng cho
GDT, qua đó đảm bảo chất lượng sản phẩm và tiến độ với khách hàng. Đây là hướng đi gắn kết lợi ích của nhà cung cấp, đối tác với lợi ích của công ty.
GIÁ TRỊ ĐƠN HÀNG SAU 4 THÁNG XẤP XỈ CẢ NĂM 2020
Năm 2021,
GDT đặt mục tiêu doanh thu 460 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến 86,4 tỷ đồng, tương ứng tăng 15% và 8% so với kết quả đạt được năm 2020. Tỷ lệ cổ tức dự kiến được duy trì ở mức tương đương năm 2020 là 50%.
Quý 1/2021, doanh thu của
GDT đạt hơn 100 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận trước thuế đạt xấp xỉ 23 tỷ đồng, cũng tăng 24% so với quý 1/2020. Với kết quả đạt được, công ty đã hoàn thành gần 22% kế hoạch doanh thu và 27% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.
Ban lãnh đạo
GDT cho biết, công ty đã nhận được nhiều đơn hàng trong giai đoạn đầu năm 2021. Đến cuối tháng 4, công ty đã thực hiện đạt 70% kế hoạch đơn hàng cả năm, với tổng giá trị đơn hàng tăng xấp xỉ 96% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2021,
GDT sẽ tập trung đầu tư công nghệ thông tin, kiểm soát nội bộ, đào tạo nhân sự; đầu tư công nghệ, máy móc cho sản xuất; khai thác tối đa hiệu quả kinh doanh nhà máy mới mua ở Bình Dương, để kịp đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng.
Đối với nhà máy số 4 tại Bình Dương mà
GDT vừa M&A, bà Liễu cho biết, đến nay công ty vẫn chưa rót thêm vốn đầu tư thiết bị, mà hiện tại vẫn đang là bước chuẩn bị trong trường hợp
GDT muốn mở rộng năng lực sản xuất và kho chứa. Trong khi đó, nhà xưởng và các đơn hàng sẵn có của nhà máy số 4 vẫn đang tạo ra thu nhập cho
GDT. Ngoài ra, giá trị khu đất đặt nhà máy hiện đã tăng lên đáng kể so với thời điểm đầu tư.