HĐQT Masan Group phê duyệt phương án tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt 10% cho năm 2021.
Tổng số tiền chi trong đợt này là 1.175 tỷ đồng.
Masan Group đặt mục tiêu lợi nhuận phân bổ cho cổ đông của công ty từ 2.500 - 4.000 tỷ đồng, so với con số 1.234 tỷ đồng năm 2020.
HĐQT Masan Group (HoSE:
MSN) vừa phê duyệt phương án tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt 10% (1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng). Với hơn 1,17 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, số tiền chi trong đợt này là 1.175 tỷ đồng.
Cụ thể, công ty sẽ thực hiện tạm ứng cổ tức trong 2 lần. Lần thứ nhất chia tỷ lệ 9,5% (1 cổ phiếu được nhận 950 đồng) và lần tiếp theo chia 0,5% (1 cổ phiếu được nhận 50 đồng).
Trước đó trong cuộc họp cổ đông thường niên 2021, cổ đông Masan Group đã thông qua việc ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT hoặc Tổng giám đốc tùy thuộc vào kế hoạch kinh doanh và đảm bảo tối ưu hóa dòng tiền, quyết định tỷ lệ tạm ứng cổ tức cụ thể cho năm 2021 bao gồm thời gian, phương thức và các vấn đề có liên quan.
Trong năm 2021, tập đoàn tư nhân này đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất từ 92.000 - 102.000 tỷ đồng và lợi nhuận phân bổ cho cổ đông của Công ty từ 2.500 - 4.000 tỷ đồng. Năm 2020, tập đoàn có doanh thu thuần 77.218 tỷ đồng và lãi ròng giảm 78% về 1.234 tỷ đồng.
Dù có lãi trong năm qua nhưng cổ đông Masan Group thông qua phương án không chia cổ tức cho năm 2020. Năm 2019, tập đoàn này có chia cổ tức tiền mặt 10%, tương ứng số tiền 1.175 tỷ đồng.
Masan Group gần đây đang đẩy mạnh huy động vốn và M&A. Tập đoàn này muốn huy động khoảng 1 tỷ USD cho mảng thức ăn chăn nuôi, gọi vốn 400 triệu USD từ Alibaba và Baring Private Equity Asia vào The CrownX, chi 15 triệu USD để mua 20% cổ phần Phúc Long và tích hợp chuỗi trà sữa này vào 1.000 cửa hàng tại VinMart+ theo hình thức ki-ốt…