8/7 là ngày đăng ký cuối cùng với cổ đông nhận cổ tức 2017-2018 bằng cổ phiếu. VietinBank nộp đủ tài liệu báo cáo phát hành cổ phiếu trả cổ tức tới UBCKNN. Ngân hàng sẽ phát hành gần 1,1 tỷ cổ phiếu trả cổ tức 2017-2018, tỷ lệ hơn 29%.
HĐQT VietinBank (HoSE:
CTG) thông qua 8/7 là ngày đăng ký cuối cùng với cổ đông nhằm phát hành cổ phiếu trả cổ tức. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) thông báo nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo phát hành cổ phiếu để trả cổ tức của ngân hàng. Phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức của ngân hàng được thực hiện theo nghị quyết đại hội đồng cổ đông.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho VietinBank tăng vốn điều lệ từ hơn 37.234 tỷ đồng lên 48.058 tỷ đồng theo phương án phát hành gần 1,1 tỷ cổ phiếu trả cổ tức 2017-2018, tỷ lệ hơn 29%.
Trước đó, HĐQT ngân hàng đã thông qua việc triển khai phương án trên. Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế trích lập các quỹ năm 2017, 2018 và phần lợi nhuận sau thuế còn lại của năm 2019 sau trích lập các quỹ, chi trả cổ tức bằng tiền mặt. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý III và IV.
Tại phiên họp thường niên năm 2021, ngân hàng được thông qua phương án chia cổ tức 2020 bằng tiền mặt và cổ phiếu, trong đó dự kiến chia bằng tiền mặt tỷ lệ 5%, phần còn lại sẽ chia bằng cổ phiếu tỷ lệ 12% trường hợp đã tăng vốn điều lệ từ cổ tức 2017-2018 hoặc 17% trường hợp chưa hoàn thành. Cổ tức năm 2021 sẽ thực hiện theo phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và báo cáo cổ đông sau.
Kết phiên 23/6, cổ phiếu
CTG có giá 52.700 đồng/cp, tăng 53% so với đầu năm.
VietinBank sẽ tăng vốn thêm hơn 11.000 tỷ đồng. Ảnh: VietinBank.
Quý I, chi phí dự phòng giảm 69% xuống 1.350 tỷ đồng do không còn cần trích lập trái phiếu VAMC, đẩy lãi trước thuế VietinBank tăng 171% đạt 8.060 tỷ đồng.
Tổng tài sản đến cuối tháng 3 ở mức 1,34 triệu tỷ đồng. Tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm 82% xuống 10.213 tỷ đồng, trong khi tiền gửi tại các tổ chức tín dụng (TCTD) khác tăng 41%, lên 130.669 tỷ đồng.
Cho vay khách hàng tăng hơn 2.000 tỷ đồng, tương đương đầu năm, ở mức hơn 1 triệu tỷ đồng. Nợ xấu giảm 6% xuống 8.954 tỷ đồng. Nợ ở các nhóm đều giảm từ 4-7%. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 0,94% xuống còn 0,88%.
Dự phòng rủi ro cho vay khách hàng 13.911 tỷ đồng, tăng 11%. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu ở mức 155% cao hơn mức 130% cuối năm trước. Về nguồn vốn, tiền gửi khách hàng tăng 1% so với đầu năm, lên hơn 1 triệu tỷ đồng. Tiền vay các TCTD khác tăng 60% lên 47.925 tỷ đồng.