Tăng margin không phải là lý do quan trọng duy nhất khiến các công ty chứng khoán ồ ạt tăng vốn. "Cuộc chiến giành thị phần đòi hỏi các công ty chứng khoán phải nâng cao năng lực tài chính, đặc biệt là các công ty chứng khoán có quy mô nhỏ", Công ty Chứng khoán BOS nhấn mạnh trong báo cáo công bố gần đây.
Công ty chứng khoán ồ ạt tăng vốn: Không chỉ vì margin
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán BOS trong báo cáo ngành chứng khoán công bố gần đây, đã có hơn một nửa các công ty chứng khoán trong ngành đưa ra kế hoạch tăng vốn trong năm 2021 thông qua các hình thức như trả cổ tức, quyền mua, phát hành riêng lẻ...
Trong đó, tính đến giữa tháng 6/2021, có 5 công ty chứng khoán đã thực hiện tăng vốn thêm 1.845 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tính đến cuối năm, còn có 30 công ty chứng khoán đã thông báo về kế hoạch tăng vốn với giá trị vốn tăng thêm là 24.339 tỷ đồng, bằng 35,26% vốn góp hiện tại của các công ty chứng khoán.
Tăng vốn để tăng cho vay margin là nguyên nhân quan trọng bậc nhất khiến các công ty chứng khoán ồ ạt tăng vốn.
Tỷ lệ dư nợ cho vay margin/vốn chủ sở hữu tại nhiều công ty chứng khoán đã chạm mức trần quy định đối với hoạt động này. Điển hình như MBS tỷ lệ dư nợ cho vay ký quỹ/vốn chủ sở hữu quý I/2021 là 189%, Yuanta là 187%, HSC là 186%... Dư địa cho vay margin còn lại của các công ty chứng khoán khá hẹp. Nhiều công ty chứng khoán trong tình trạng cạn vốn margin đã huy động vốn từ khách hàng thông qua hợp tác đầu tư.
Trong khi đó, thống kê cho thấy mặc dù margin tăng mạnh nhưng dòng tiền của nhà đầu tư vào thị trường chủ yếu vẫn là dòng tiền thực, vì thế mà nhu cầu vay margin của nhà đầu tư vẫn còn rất nhiều nhưng các công ty chứng khoán chưa thể đáp ứng. Do vậy, các công ty chứng khoán đang gấp rút tăng vốn để gia tăng dư nợ cho vay margin.
Tuy nhiên, margin không phải là lý do duy nhất khiến các công ty chứng khoán ồ ạt tăng vốn, còn có nhiều lý do cũng rất quan trọng.
Đầu tiên, sự phát triển của thị trường sẽ kéo theo nhu cầu mở rộng các hoạt động kinh doanh chứng khoán như mảng thu xếp vốn, bảo lãnh, phát hành chứng quyền có bảo đảm, tự doanh... Số liệu giao dịch khối tự doanh của các công ty chứng khoán cho thấy khối này đẩy mạnh giao dịch từ quý III/2020 đến nay với quy mô giao dịch trong quý I/2021 đạt xấp xỉ cả năm 2019.
"Thị trường chứng khoán tăng trưởng tạo cơ hội cho hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán. Do vậy, tăng vốn sẽ giúp công ty chứng khoán bổ sung thêm nguồn cho hoạt động này. Các công ty chứng khoán nội đang chịu áp lực cạnh tranh lớn từ các công ty chứng khoán có vốn ngoại.
Trong vòng 3 năm gần đây, doanh thu môi giới của các công ty chứng khoán có vốn ngoại tăng mạnh từ 4,6% lên 12%. Trong danh sách doanh nghiệp có thị phần lớn nhất sàn chứng khoán xuất hiện những cái tên như Mirae Asset hay KIS. Các công ty chứng khoán ngoại có lợi thế cạnh tranh với nguồn vốn cho vay ký quỹ lớn và lãi suất thấp hơn các công ty chứng khoán nội. Cuộc chiến giành thị phần đòi hỏi các công ty chứng khoán phải nâng cao năng lực tài chính, đặc biệt là các công ty chứng khoán có quy mô nhỏ", Công ty Chứng khoán BOS nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo BOS, huy động vốn từ hình thức tăng vốn chủ sở hữu cũng sẽ giúp các công ty chứng khoán huy động được nguồn vốn với chi phí thấp hơn so với vay ngân hàng hoặc vay từ khách hàng.
"Một loạt sản phẩm, nghiệp vụ mới đang được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán thúc đẩy triển khai như bán chứng khoán chờ về, bán khống, mua bán chứng khoán trong ngày... đặt ra các yêu cầu cao về "sức khỏe" tài chính mà các công ty chứng khoán phải đáp ứng mới được phép tham gia triển khai", chuyên gia của BOS nhấn mạnh.
Nhìn rộng ra, việc các công ty chứng khoán tăng vốn có nhiều tác động tích cực đối với thị trường chứng khoán.
Theo đó, các công ty chứng khoán có thể bổ sung thêm nguồn cho các mảng hoạt động kinh doanh như cho vay ký quỹ, tự doanh,... Các hoạt động này sẽ giúp gia tăng dòng tiền tham gia vào thị trường chứng khoán. Giao dịch trên thị trường sẽ diễn ra sôi động hơn. Lãi suất cho vay ký quỹ trên thị trường chứng khoán sẽ cạnh tranh hơn.
"Hiện nay, lãi suất cho vay margin trên thị trường phổ biến ở mức 9,8% -14%/năm. Nguồn vốn huy động thêm từ tăng vốn chủ sở hữu sẽ giúp giảm chi phí vốn, qua đó hỗ trợ lãi suất cho vay ký quỹ", chuyên gia của BOS cho hay.
Thêm vào đó, cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán giúp nhà đầu tư có thêm nhiều sự lựa chọn về đơn vị cung cấp dịch vụ chứng khoán.
"Cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán, nhiều công ty chứng khoán có vốn hóa "tỷ USD" sẽ xuất hiện và gia tăng sự hấp dẫn với các nhà đầu tư ngoại", BOS nêu thêm tác động tích cực.
Hàng chục công ty chứng khoán dự kiến có vốn điều lệ nghìn tỷ trong thời gian tới. Nguồn đồ thị: BOS
Nguồn vốn dồi dào cũng sẽ giúp bức tranh lợi nhuận của các công ty chứng khoán có nhiều thay đổi tích cực. Trong quý đầu năm nay, nguồn thu từ cho vay margin tại các công ty lớn vượt 200 tỷ đồng như SSI, HSC, Mirae Asset (Việt Nam), VPS. Thu từ cho vay margin, hoạt động môi giới và nguồn thu từ chốt lời danh mục tự doanh đã đẩy lợi nhuận nhóm chứng khoán tăng đột biến trong quý I, gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái.