Masan MEATLife sẽ phát hành 7.284 tỷ đồng trái phiếu, có thể thanh toán bằng cổ phiếu MNS Feed.
Masan MEATLife tách mảng thức ăn chăn nuôi, dồn lực cho mảng thịt.
Mảng thức ăn chăn nuôi đang đóng góp khoảng 80% tổng doanh thu Masan MEATLife.
Tái cấu trúc, tách mảng thức ăn chăn nuôi
Masan MEATLife (UPCoM:
MML) vừa công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về kế hoạch tái cấu trúc bằng việc tách biệt các mảng kinh doanh độc lập, cụ thể là thức ăn chăn nuôi. Điều này cho phép đơn vị chuyển đổi thành nền tảng kinh doanh chỉ tập trung vào thịt có thương hiệu.
Ban lãnh đạo cho biết muốn dồn lực để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi thành nền tảng kinh doanh hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), mục tiêu doanh thu mảng thịt đạt 35.000 – 45.000 tỷ vào năm 2025, chiếm khoảng 10% thị phần toàn quốc. Trong đó, mức đóng góp giữa thịt mát và thịt chế biến là cân bằng. Biên lợi nhuận gộp 30-35% và biên lợi nhuận trước thuế, lãi vay (EBIT) là 20-25%.
Masan MEATLife xuất phát là công ty thuần suản xuất thức ăn chăn nuôi nhưng sau đó đã mở rộng ra sản xuất thịt và thịt chế biến có thương hiệu. Hiện doanh nghiệp đã xây dựng được chuỗi giá trị tích hợp ngành thịt gồm thức ăn chăn nuôi, kinh doanh thịt và hệ thống trang trại (feed – farm – food).
Với mảng thức ăn chăn nuôi, đơn vị có 13 nhà máy sản xuất với tổng công suất đến cuối năm 2020 là 3,3 triệu tấn/năm, sở hữu những công ty thức ăn chăn nuôi lớn như Anco, Proconco và xây dựng thương hiệu thức ăn chăn nuôi Bio – Zeem.
Mảng này đang đóng góp chính vào doanh thu của Masan MEATLife. Cụ thể, nửa đầu năm, mảng thức ăn chăn nuôi ghi nhận 8.164 tỷ đồng doanh thu, tăng 33% và đóng góp 79% tổng doanh thu. Trong khi năm 2020, mảng này ghi nhận 13.746 tỷ đồng, đóng góp 85% tổng doanh thu.
Mảng thức ăn chăn nuôi đang đóng góp doanh thu chủ yếu cho Masan MEATLife.
Theo kế hoạch tái cấu trúc, bộ phận kinh doanh Proconco và Anco được tổ chức lại, hệ thống phân phối tại Anco và Proconco sẽ được chuyển về các nhà máy. Việc điều chỉnh này theo doanh nghiệp nhằm đơn giản hóa hệ thống phân phối, xây dựng quan hệ đối tác chiến lược phù hợp với mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Từ đó, bổ trợ cho Masan MEATLife nâng cao năng suất ở mảng thức ăn chăn nuôi và trang trại để chuyển đổi thành đầu vào cho thịt MEATDeli.
Việc tái cơ cấu nội bộ này của doanh nghiệp không làm thay đổi các điều kiện thương mại đã ký kết với các đại lý/nhà phân phối và không ảnh hưởng đến quyền lợi của nhân viên, quyền lợi của các đối tác, cổ đông. Đồng thời, thay đổi này không ảnh hưởng đến mô hình 3F tích hợp từ trang trại đến bàn ăn Masan MEATLife đang sở hữu.
Huy động 7.284 tỷ đồng trái phiếu, có thể hoán đổi thành cổ phiếu MNS Feed
Để tiếp tục đầu tư và mở rộng mảng thịt, Masan MEATLife sẽ phát hành trái phiếu để cơ cấu lại các khoản nợ và mục đích khác. Doanh nghiệp dự kiến phát hành 7.284 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không có bảo đảm và không kèm chứng quyền, kỳ hạn 3 năm, lãi suất 2%/năm thanh toán 1 lần khi đáo hạn.
Trái phiếu được phát hành theo hình thức riêng lẻ. Đối tượng là cổ đông Masan MEATLife được chốt theo danh sách ngày 31/8 và đáp ứng điều kiện nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Cổ đông lớn nhất của Masan MEATLife là Tập đoàn Masan nắm 78,74% vốn.
Cơ cấu cổ đông Masan MEATLife.
Đặc biệt, gốc một phần hoặc toàn bộ trái phiếu có thể được thanh toán bằng cổ phiếu của Công ty cổ phần MNS Feed thuộc sở hữu Masan MEATLife, tối đa 99,99% vốn MNS Feed. Theo điều khoản trái phiếu, nếu bất kỳ trái phiếu nào khi đáo hạn được thanh toán bằng cổ phiếu MNS Feed thì tất cả lãi bị hủy bỏ, giá 10.000 đồng một cổ phần (sẽ được điều chỉnh nếu MNS Feed phát hành cổ phần để trả cổ tức hoặc phát hành tăng vốn từ vốn chủ sở hữu).
MNS Feed là đơn vị phát triển mảng thức ăn chăn nuôi của Masan MEATLife. Doanh nghiệp này nắm 75% vốn Proconco, 99,99% vốn Anco cùng 100% vốn các công ty thức ăn chăn nuôi khác.
Mô hình mẹ - con của Masan MEATLife.